Quảng Nam: Gỡ khó cho doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh tiếp cận nguồn vốn vay
Không có tài sản thế chấp
Chị Ngô Thị Minh Thuỳ - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nảng Thuỳ (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, doanh nghiệp của chị đã hoạt động trồng sâm Ngọc Linh được 7 năm với quy mô khoảng 7 hecta tại huyện Nam Trà My. Việc phát triển sâm Ngọc Linh trong thời gian qua đã tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho chị và các hộ dân trên địa bàn huyện Nam Trà My nói chung. Tuy nhiên, hiện đơn vị lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tiếp tục phát triển sâm Ngọc Linh.
“Việc đầu tư vào sâm Ngọc Linh thì nguồn vốn ban đầu rất là cao. Nhưng hiện tại doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn vay được, nếu muốn vay thì rất khó bởi vì không có tài sản để thế chấp. Vườn sâm không thế chấp được vì không có sổ đỏ”, chị Thùy chia sẻ.
Chị Thùy (áo hồng) cho biết hiện doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn vay vì không có tài sản để thế chấp |
Tương tự, nhiều hộ trồng sâm trên địa bàn và các doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng trên khi không thể tiếp cận nguồn vốn vay để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển sâm Ngọc Linh.
Chị Nguyễn Thị Kiều Tiên - Chủ cơ sở Tiên Sâm (Trồng và buôn bán sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu quý tại hiện Nam Trà My) cho hay, hiện chị trồng được vài hecta sâm Ngọc Linh và đang muốn đầu tư mở rộng tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vay không được. “Rất mong được sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu được tiếp cận các nguồn vốn vay thì tôi có thể mở rộng, đầu tư trồng nhiều sâm Ngọc Linh hơn, từ đó mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội”, chị Tiên nói.
Vướng nhiều tiêu chí vay theo Nghị định số 28
Trước đó, đã có một số doanh nghiệp bắt nhịp được xu hướng, sớm đầu tư sản xuất trên quy mô lớn, xây dựng phát triển vườn sâm gốc, xây dựng nhà máy nhân giống cấy mô, chế biến sản phẩm từ sâm, hướng tới phát triển theo quy mô công nghiệp. Nhưng với các yêu cầu của Nghị định 28 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 thì các đơn vị khó lòng tiếp cận.
Ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sâm Sâm Group cho biết, “Trung tâm công nghệ cao về giống phải đặt trên địa bàn đặc biệt khó khăn thì mới được hỗ trợ cơ chế chính sách đó. Công ty Sâm Sâm thì đang đầu tư tại thành phố Tam Kỳ, nếu giờ dịch chuyển lên trên vùng cao thì không được vì trên đó sẽ gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông. Còn về nhân công, hiện cũng phải yêu cầu bắt buộc tối thiểu 50% là người đồng bào dân tộc thiểu số, như vậy rất là khó”.
Nghiên cứu nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh của Sâm Sâm Group |
Theo ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, theo quy định, vùng trồng sâm muốn vay vốn phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên hiện nay đối với chuyện thuê môi trường rừng trồng tâm thì chỉ là đất rừng, do nhà nước quản lý cho nên không thể là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ trồng sâm và doanh nghiệp, vì vậy rất là khó khăn.
“Chính vì thế các đối tượng này không tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định số 28, bởi vì quy định phải yêu cầu có giấy chứng nhận quyền dụng đất để thế chấp”, ông Mẫn thông tin.
Bà Lê Thị Kim Anh – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, đối tượng vay vốn theo Nghị định 28 phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số, tham gia vào dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý, Dự án trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam hiện đã triển khai cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ cải tạo sửa chữa nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất cho nhiều khách hàng với số tiền hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên với hỗ trợ trồng dược liệu thì vẫn đang trong quá trình triển khai.
Đề xuất hướng tháo gỡ
Trước những vướng mắc mà các hộ trồng sâm, doanh nghiệp gặp phải, lãnh đạo các địa phương, tỉnh Quảng Nam đã đề xuất các giải pháp để giúp các hộ trồng sâm, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận gói vay ưu đãi để tiếp tục phát triển sâm Ngọc Linh.
Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết thêm, vừa qua ông cũng đã đề xuất, các đơn vị thuê môi trường rừng trồng sâm có cam kết và hợp đồng có thể sử dụng hợp đồng đó thế chấp vay vốn. Ngoài ra, ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại cũng nên tháo gỡ về quy trình, thủ tục vay vốn, như vậy thì sẽ thuận lợi hơn cho việc các doanh nghiệp và hộ trồng sâm đầu tư và phát triển. “Nếu như tháo gỡ được thì việc đầu tư trồng sâm của các hộ và doanh nghiệp sẽ phát triển rất mạnh và mang lại hiệu quả cao. Nguồn vốn vay cho trồng sâm Ngọc Linh thì rủi ro rất là ít và việc thu hồi vốn chắc chắn được đảm bảo”, ông Mẫn nói.
Lãnh đạo huyện Nam Trà My đề xuất có thể sử dụng hợp đồng thuê môi trường rừng để thế chấp vay vốn |
Về vấn đề này, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, với người dân và doanh nghiệp trồng sâm, tài sản của họ tính trên vườn sâm là rất lớn, tuy nhiên họ không thể thế chấp để vay vốn, tiếp tục đầu tư phát triển được. “Hiện chúng ta chưa giao được sổ đỏ cho các hộ dân trồng sâm. Nếu có sổ đỏ thì họ mới có khả năng đem thế chấp tài sản để vay vốn được. Nhưng hiện cấp sổ đỏ về rừng tự nhiên thì hơi khó, cho nên chúng ta cần có cơ chế nào đó để đánh giá về sản phẩm và xem nó như là tài sản thế chấp, từ đó thuận lợi cho người dân trong việc vay vốn”, ông Bửu đề xuất và cho biết thêm, hiện quy định cho trồng sâm dưới tán rừng vẫn còn ngặt nghèo, luật chưa cho phép tác động vào rừng tự nhiên và rừng phòng hộ, mà muôn đời nay, cây sâm chỉ sống được ở môi trường này.
“Tỉnh Quảng Nam mong muốn trung ương cũng sớm tháo gỡ nút thắt này, hoặc có thể làm thí điểm trồng sâm dưới tán rừng đặc dụng để từ đó thấy được hiệu quả và tạo điều kiện cho việc trồng sâm phát triển hơn trong thời gian tới”, ông Bửu kiến nghị.
Sâm Ngọc Linh đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số |
Để hiện thực hóa được mục tiêu đến năm 2030 phát triển cây sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp sản xuất sâm đạt thương hiệu sản phẩm quốc gia; đưa ngành sản xuất và chế biến sâm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển kinh tế bằng cây Sâm Việt Nam, ngoài việc vận dụng những cơ chế đặc biệt để thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp dược liệu thì có lẽ, quan trọng nhất vẫn là cơ chế ưu đãi về vốn vay từ các chính sách của Trung ương lẫn địa phương, như Nghị định 28.
Mở được cơ chế về vốn, dòng tiền phải chảy vào doanh nghiệp mới tạo được sức bật để đưa ngành công nghiệp sâm nói riêng và dược liệu nói chung phát triển.