Quảng Nam–Đà Nẵng–Thừa Thiên Huế : Cần lựa chọn lễ hội tiêu biểu để hình thành tour du lịch
Ngày 8/10, tại TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chi hội Lữ hành Đà Nẵng phối hợp tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị sự kiện, lễ hội thúc đẩy tăng trưởng du lịch tại Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế”.
Hội thảo nhằm đánh giá lại hiệu quả việc phát huy giá trị của các sự kiện, lễ hội tại tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc thúc đẩy phát triển du lịch và gắn kết du lịch ba địa phương.
Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế cùng trao đổi giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch sự kiện, du lịch lễ hội |
Tại Hội thảo, các địa biểu đã cùng trao đổi, đánh giá vai trò của lễ hội sự kiện đối với 3 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế thời gian qua và các chính sách hỗ trợ đối với các đơn vị tổ chức sự kiện lễ hội thời gian đến; thảo luận về vai trò, nguồn lực của lễ hội với phát triển du lịch 3 địa phương; vai trò của cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch trong việc tổ chức sự kiện lễ hội… Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc khai thác các giá trị sự kiện, lễ hội trong phát triển du lịch.
Thông tin tại Hội thảo, ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) cho biết, 9 tháng đầu năm, cả nước đón hơn 8,9 triệu lượt khách quốc tế, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ 2022, vượt mục tiêu của năm 2023 (đón 8 triệu lượt khách quốc tế); đã phục vụ 93,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 536,5 nghìn tỷ đồng.
Thời gian qua, Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế là 3 địa phương của miền Trung có sự tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực du lịch và trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam cũng như khu vực châu Á. Con đường di sản miền Trung đi qua 3 địa phương với hệ thống di sản thế giới đồ sộ đã được UNESCO công nhận. Đặc biệt, Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn kiến trúc thành quách, lăng tẩm, đình miếu… cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật quý hiếm từ xưa để lại. Đây cũng là địa phương duy nhất có 7 di sản được UNESCO vinh danh. Ngoài ra, 3 địa phương còn có hệ thống giao thông thuận lợi… Tất cả các yếu tố trên tạo ra tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sự kiện, lễ hội.
Tuy nhiên, theo ông Siêu, vẫn còn những hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường và xúc tiến du lịch tại 3 địa phương, như sản phẩm du lịch còn thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết du lịch chưa cao…
Cần lựa chọn một vài lễ hội, sự kiện đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư bài bản và kết nối với các điểm đến khác |
Để phát triển, khai thác các sản phẩm du lịch, sự kiện, lễ hội tại 3 địa phương hiệu quả hơn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề nghị tỉnh Quảng Nam – TP. Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế cần lựa chọn 1 vài sự kiện lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh, thành phố để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội đến với du khách; nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội.
“Với việc quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các lễ hội truyền thống, Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế sẽ có thêm sản phẩm du lịch văn hóa tín ngưỡng - tâm linh đặc sắc, hấp dẫn và tương xứng với tiềm năng”, ông Siêu nói.