Quảng Bình: Thêm 2 di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Lễ hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang được tổ chức hàng năm vào dịp Quốc khánh 2-9 |
Lễ hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang của huyện Lệ Thủy đã có cách đây hơn 500 năm. Lễ hội được tổ chức để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; rèn luyện sức khỏe để phục vụ lao động sản xuất, chống chọi với thiên nhiên. Đến năm 1946, lễ hội này mới được thể hiện một cách rõ nét. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đến ngày 2-9-1946, nhân dân huyện Lệ Thủy mừng Tết Độc lập và tổ chức lễ hội đua, bơi thuyền quy mô cấp huyện. Từ đó, cứ đến dịp Quốc khánh 2-9, huyện Lệ Thủy lại mở hội bơi, đua thuyền nam, nữ và mừng Tết Độc lập.
Lễ hội đập trống của người Ma Coong được tổ chức vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm ở xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch). Đây là một lễ hội văn hóa đặc sắc, còn giữ được những nét hoang sơ nhất của tộc người Ma Coong. Mục đích của lễ hội là cầu trời, đất cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tươi tốt, dân bản được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh… Ngoài ra, lễ hội còn là đêm hội “tự do” tình yêu của người dân nơi đây. “Tự do” ở đây được hiểu là mọi người, không kể lạ quen, người bản này bản kia... khi mặt trống bị đánh vỡ, tất cả đều được dắt nhau vào rừng chuyện trò, tình tự, thổ lộ...
Được biết, trước đó tỉnh Quảng Bình cũng đã có 2 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đó là Hò khoan Lệ Thủy và Lễ hội Cầu ngư.