Quảng Bình: Người dân hối hả neo đậu tàu thuyền tránh trú bão
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 13 giờ chiều 18/9, áp thấp nhiệt đới cách Đà Nẵng 530km về phía Đông, tốc độ di chuyển chậm hơn so với đêm và rạng sáng nay. Hiện đang di chuyển với tốc độ 15 km/giờ, hướng di chuyển, cường độ và khả năng mạnh lên thành bão. Qua theo dõi của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, ít nhất là cấp 8. Các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa 200-300mm, có nơi trên 600mm (thời gian mưa từ sáng sớm 18 - 19/9).
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, khi nghe được thông tin áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và ảnh hưởng trực tiếp vào địa phương, người dân tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã chuyển tàu, thuyền vào âu thuyền hoặc đưa lên bờ để ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ.
Người dân tại xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đã chuyển tàu, thuyền vào âu thuyền hoặc đưa lên bờ để ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ |
Ông Nguyễn Văn Than (SN 1966, trú tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh) cho biết, nhận thông tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, ông đã chuyển thuyền lên bờ nhằm tránh gây thiệt hại. "Thuyền của tôi câu mực nhảy, chiều đi tối lại về, để đảm bảo tài sản không mất mát, tôi đã cẩu lên bờ kê cao, chằng buộc cẩn thận giúp thuyền an toàn” – ông Than nói.
Các thuyền được neo đậu sát nhau |
Theo ông Than, người dân tại xã Bảo Ninh đã chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới từ sáng cùng ngày, chủ yếu tập trung vào tài sản như tàu, thuyền, vì đây là ngành nghề chính của bà con. Về nhà cửa, thường ở gần biển, được xây kiên cố nên phần nào yên tâm.
Bên cạnh đưa tàu thuyền tránh trú và lên bờ, một người dân xã Bảo Ninh cũng đã chuẩn bị những bao cát chằng chống, gia cố nhà cửa trước khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ. Cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13h ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 112,7 độ kinh đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ khoảng 15km/h.
Người dân cẩu thuyền đưa vào bờ |
Tại bờ kè xã Bảo Ninh, anh Võ Bá Phong (SN 1980, thôn Sa Động, xã Bảo Ninh) cũng đang thuê xe để cẩu thuyền lên bờ tránh áp thấp nhiệt đới. “Mỗi lần cẩu thuyền lên bờ như thế này chúng tôi phải chi ra khoảng 600.000-700.000 đồng. Khi tài sản lên bờ tôi cũng yên tâm hơn nhiều” – anh Phong nói.
Những thuyền nhỏ được đưa lên bờ, đối với những tàu, thuyền lớn hơn được người dân di chuyển đến khu neo đậu Cửa Phú (xã Bảo Ninh). |
Theo đại diện khu neo đậu tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, hiện tại có gần 350 tàu thuyền các loại từ 150CV-1.000CV của người dân về tránh trú. Việc tàu thuyền tránh trú tại đây giúp tài sản của người dân được đảm bảo an toàn.
Người dân neo buộc lại tài sản để ứng phó áp thấp nhiệt đới |
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ra Công điện về việc chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và mưa lớn. Công điện số 13/CĐ-BCH ngày 16/9/2024 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN) kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh.
Người dân đưa thuyền lên bờ tránh trú |
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm tàu hàng, tàu cá đang hoạt động trên biển, đặc biệt lưu ý các loại thuyền nan, thuyền nhỏ. Bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu.
Tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; chỉ đạo các tổ, đội đánh bắt trên biển duy trì liên lạc và hỗ trợ nhau khi có sự cố. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức cấm biển bắt đầu từ 0 giờ 00 ngày 19/9/2024 cho đến khi biển an toàn, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.
Điện lực Quảng Bình cắt tỉa cành cây tránh gây ảnh hưởng vào hệ thống đường dây |
Ngoài ra, theo Công ty Điện lực Quảng Bình, lãnh đạo đơn vị cũng đã chỉ đạo các đơn vị điện lực trực thuộc thường xuyên triển khai công tác phát quang hành lang lưới điện và chuẩn bị kỹ về nguồn nhân lực cũng như vật tư thiết bị để sẵn sàng xử lý kịp thời nếu có các sự cố xảy ra trên lưới điện trong mùa mưa bão. Phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các điểm vi phạm hành lang tuyến, giải toả cây cao ngoài hành lang có nguy cơ gãy đổ vào đường dây khi có gió bão.