Thứ bảy 19/04/2025 07:12

Quảng Bình: Độc đáo lễ hội đập trống của người Ma Coong

Lễ hội đập trống là nét sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Ma Coong.

Lễ hội độc đáo giữa đại ngàn

Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, hằng năm, cứ vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, tại bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình lại diễn ra lễ hội đập trống của người Ma Coong. Lễ hội thu hút rất đông các đồng bào dân tộc khác ở các vùng lân cận và du khách thập phương đến tham gia, trải nghiệm.

Lễ hội đập trống là nét sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Ma Coong. Đây là lễ hội văn hóa đặc sắc có từ lâu đời với mục đích Giàng để cầu cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tốt tươi, bản làng được ấm no, khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi, cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc. Dịp này cũng là ngày dành cho những đôi trai gái gặp gỡ, hẹn hò.

Để chuẩn bị cho lễ hội, trước đó, người Ma Coong đã làm trống, dựng trại, chuẩn bị đồ ăn để đón tiếp người dân bản khác về dự.

Đông đảo người dân vui mừng tham gia lễ hội
Gian hàng ẩm thực tại lễ hội
Các sản vật địa phương được bày bán tại đây
Du khách trải nghiệm ẩm thực tại lễ hội
Người dân tham gia lễ hội đập trống

Trong đêm trăng rằm giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã, liên hồi cùng tiếng hô vang “Roa lữ, Roa lữ Giàng ơi!” vang vọng khắp cả một vùng đã tạo nên một bầu không khí vui tươi, náo nhiệt.

Không phân biệt già, trẻ, gái, trai, người miền xuôi hay miền ngược, khi đến với lễ hội đập trống của người Ma Coong, thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều ở nơi này ai cũng sẽ được hòa mình vào bầu không khí sôi động của lễ hội.

Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ sáng sớm bà con dân bản nơi đây đã tập trung rất đông tại khoảng sân rộng của bản để tập trung làm trống, đây được xem là linh hồn của lễ hội.

Trai gái hẹn hò dưới trăng rằm trong ngày lễ hội

Người Ma Coong chia ra hai phần gồm lễ và hội, phần lễ bắt đầu với mâm cỗ cúng Giàng (trời), mâm cỗ cúng Giàng là những sản vật đặc trưng của vùng núi rừng Trường Sơn, như: xôi, cá, rượu, chồi cây mây non, khúc thân cây đoác được đặt trọn trên một chiếc mâm. Sau đó, già làng quỳ gối, đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản được sống yên lành, mùa màng bội thu, đời sống được no đủ...

Khi trăng vừa lên ngửa đầu, già làng Đinh Xon đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu… Xong phần hành lễ, lúa gạo được già làng Đinh Xon ném ra tứ phía với cầu mong thóc lúc về đầy bồ, đầy nương. Sau vài lượt cúng khấn, già làng Đinh Xon phát lệnh và lễ hội đập trống bắt đầu. Khách tham dự cùng dân bản lần lượt thay nhau dùng dùi đánh vào chiếc trống có bề mặt được làm từ da trâu, cho đến khi mặt trống thủng hẳn.

Chiếc trống được xem là linh hồn của buổi lễ
Một tiết mục văn nghệ tại lễ hội
Già làng Đinh Xon làm lễ tại lễ hội đập trống
Phần lễ quan trọng cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu

Khi mặt trống bị đập thủng, không khí ồn ào, náo nhiệt của lễ hội cũng lắng xuống. Những đôi trai, gái có quyền được tự do hò hẹn, yêu thương nhau mà không cần biết là người Ma Coong hay người Arem, Vân Kiều, người trong hay ngoài bản, hay những vị khách đến từ nước bạn Lào.

Tất cả được dắt tay nhau đi đến những nơi chỉ có hai người, họ sẽ tự tình với nhau những lời đường mật, trao nhau những ước nguyện hẹn hò đôi lứa sắt son. Chỉ còn những người già, trẻ con vui chơi bên bếp lửa, hay nhâm nhi bên ché rượu cần.

Du khách Huỳnh Quốc Bảo đến từ thành phố Huế chia sẻ: “Gia đình chúng tôi đi du lịch ở Quảng Bình và khi nghe thông tin trùng với dịp lễ hội đập trống của người Ma Coong thì mọi người cùng tới để thưởng thức và hoà vào không khí lễ hội. Lễ hội rất sôi động và mang nhiều nét đặc trưng địa phương, chúng tôi được hòa mình vào không khí lễ hội”.

Ông Nguyễn Hữu Hồng- Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho hay: “Trong những năm qua chúng tôi luôn phát huy, bảo tồn và giữ gìn lễ hội. Đây là lễ hội văn hoá có ý nghĩa to lớn, chúng tôi coi đây là bản sắc và sức mạnh nội sinh của địa phương. Chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác truyền thông để bà con mọi miền biết được lễ hội truyền thống này”.

Trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, những trai, gái quây quần bên men rượu cần và chờ đợi đến lúc trống vỡ. Người Ma Coong quan niệm, năm nào trống đánh vỡ càng sớm thì năm đó dân làng càng gặp được nhiều may mắn, mùa màng bội thu. Đây thực sự là ngày hội lớn, một nét đẹp văn hóa của bà con đồng bào dân tộc phía Tây Quảng Bình cần được gìn giữ và phát huy.

Năm 2019, lễ hội đập trống của người Ma Coong vinh dự được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các bản sắc văn hóa đặc sắc trong lễ hội đã và đang được cộng đồng dân tộc Ma Coong bảo vệ, duy trì, thực hành, lưu truyền nguyên bản từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào; góp phần đa dạng thêm các sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Thành Long
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Quảng Bình

Tin cùng chuyên mục

Thông tin mới nhất về sự kiện Ngày văn hóa các dân tộc

Hơn 1.200 đại biểu quốc tế sẽ dự Đại lễ Vesak 2025

Huyền tích đền Quan Đệ Tứ: Chốn linh thiêng TP. Hải Phòng

Bắc Ninh: Đền Đô được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Lễ hội Đình Thi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể

Điện Biên: Hàng trăm người dự lễ hội té nước Bun Huột Nặm

Thanh Hóa tổ chức Lễ hội đền Đồng Cổ năm 2025

Cập nhật Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số báo chí

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân ghi danh di sản thế giới

Đề nghị giữ nguyên tên gọi khu du lịch quốc gia sau sáp nhập

Việt Nam đăng cai giải bóng chuyền nữ Quốc tế 2025

Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ Hùng Vương: Tự hào cội nguồn, vững bước tương lai

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm lãnh đạo các cục, vụ

Quảng bá du lịch Việt Nam qua truyền thông Trung Quốc

Triển lãm ảnh 'Văn học, nghệ thuật Cần Thơ' gây ấn tượng

Nam Định chính thức mở lễ hội Phủ Dầy lớn thứ 5 cả nước

Phú Thọ: Kể câu chuyện ‘Văn hóa Hùng Vương’ qua hơn 300 hiện vật

Phú Thọ: Công chiếu thử phim tài liệu 'Thời đại Hùng Vương'

Phú Thọ: Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ