Quảng Bình: Công nghiệp, thương mại còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2024
Theo Sở Công Thương Quảng Bình, với việc triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ, sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Bình trong năm 2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng khá so với năm trước và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Cụ thể, ước tính, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% (kế hoạch năm 2024 tăng 7,5); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,05% (kế hoạch năm 2024 tăng 8 - 8,5%). Một số nhà máy mới được đầu tư và đi vào hoạt động trong thời gian qua phát huy được hiệu quả như: Nhà máy giấy Quảng Bình; Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Dũng Nguyệt Anh; Nhà máy bê tông Nghi Sơn Quảng Bình...
Ngoài ra, nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp đã có các đơn hàng mới được ký kết để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Một số ngành sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất trang phục; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp duy trì tăng trưởng.
Hệ thống chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại cửa hàng bán lẻ… trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt, là cầu nối hiệu quả giữa sản xuất với tiêu dùng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý thị trường, giá, đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng, nhất là trong những dịp lễ, tết.
Cảng Hòn La tỉnh Quảng Bình.Ảnh: S.T |
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Quảng Bình, hiện vẫn còn một số khó khăn, tồn tại đối với lĩnh vực Công Thương tại địa phương. Theo đó, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp gặp khó khăn, một số ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh giảm mạnh. Nhiều dự án công nghiệp lớn dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2024 nhưng hiện nay bị chậm tiến độ (Nhà máy may công nghiệp QT Quảng Bình; dự án Thủy điện La Trọng; may Tun Power mở rộng; viên nén năng lượng Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa…) chưa thể đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp.
Tiểu thủ công nghiệp mặc dù có tăng trưởng nhưng quy mô còn nhỏ, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu, sản xuất hàng lưu niệm chưa phát triển. Một số ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động hiện nay đang phục hồi và mở rộng sản xuất nhưng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Các chợ truyền thống trên địa bàn ngày càng vắng khách do các cửa hàng tiện ích được đầu tư ngày càng nhiều, thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm, hơn nữa sự bùng nổ của thương mại điện tử đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân.
Nguyên nhân khách quan và chủ quan được Sở Công Thương đưa ra là do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới, lạm phát ở mức cao, các doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào và lãi suất vay vẫn ở mức cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn.
Năng lực mới tăng thêm trong sản xuất công nghiệp ít, chủ yếu dự án có quy mô nhỏ. Một số dự án đầu tư phát triển công nghiệp có quy mô lớn dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2024 nhưng hiện nay hầu hết chậm tiến độ.
Chủ thể tham gia trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu còn ít, năng lực hạn chế, chủng loại hàng hóa xuất khẩu đơn điệu. Khối lượng hàng hóa xuất khẩu còn nhỏ lẻ, phân tán, khả năng cạnh tranh thấp, thiếu tính bền vững. Vì vậy, chưa tiếp cận và tận dụng được các cơ hội từ các FTA.
Đối với nguyên nhân chủ quan, Sở Công Thương cho rằng, công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đôn đốc của một số ngành, địa phương đôi lúc còn chưa quyết liệt, thiếu kịp thời trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt, các lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường, phòng cháy, chữa cháy… đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện dự án và cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư.
Cùng với đó, các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, trình độ công nghệ lạc hậu và chậm được đầu tư đổi mới, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu.