Trong chặng đường phát triển của tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây, hầu hết các kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội đều gắn với việc đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, theo tinh thần xuyên suốt từ Đại hội XI của Đảng cho đến nay. Trên tinh thần đó, tại Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh đã xác định việc thực hiện ba đột phá chiến lược là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong năm 2024 với những mục tiêu cụ thể như: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy vậy, năm 2024 chứng kiến một giai đoạn đầy thách thức đối với tỉnh Quảng Ninh, khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những biến động lớn và các ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề. Thế nhưng, với sự nỗ lực không ngừng, Quảng Ninh đã tận dụng kinh nghiệm và bài học từ các năm trước, kết hợp với việc triển khai quyết liệt ba đột phá chiến lược, tạo nên động lực mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, bám sát thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Hoàn thiện hạ tầng đồng bộ: Nền tảng cho sự phát triển
Quảng Ninh đã chứng minh sự quyết tâm khi hoàn thành hàng loạt dự án trọng điểm, tạo nên diện mạo mới cho hệ thống hạ tầng giao thông và kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong năm, tỉnh đã phối hợp cùng TP. Hải Phòng hoàn thành và đưa vào sử dụng đường nối cầu Bến Rừng kết nối Quảng Ninh - Hải Phòng; hoàn thành thi công tỉnh lộ 342 nối Hạ Long - Ba Chẽ - Lạng Sơn; hoàn thành thi công đường nối Sơn Dương - Đồng Lâm; đường nối Sơn Dương - Đồng Sơn; đầu tư mới, nâng cấp các trường học; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các dự án Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh, đường ven sông, cầu Lại Xuân.
Cầu Bến Rừng kết nối Quảng Ninh - Hải Phòng, một thành công trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh năm 2024. Ảnh: dangcongsan.vn |
Trong giai đoạn cuối năm, tỉnh Quảng Ninh đang phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác nút giao Đầm Nhà Mạc, cầu Lại Xuân, hỗ trợ nhà đầu tư đưa vào vận hành dự án sân Golf Đông Triều theo đúng tiến độ. Đồng thời, tỉnh cũng nỗ lực triển khai có hiệu quả Đề án Giao thông nông thôn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, Đề án nâng cấp đô thị Quảng Yên… Đây là các dự án quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, có tác động tích cực đến công tác thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch và cải thiện điều kiện đời sống, sức khỏe, học tập của người dân trên toàn tỉnh.
Cải cách hành chính và môi trường đầu tư: Tăng cường niềm tin cho doanh nghiệp
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục là một trong những trọng tâm của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2024. Tính riêng năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành gần 20 văn bản chỉ đạo triển khai công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Hầu hết tập trung đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho những việc khó, "điểm nghẽn", như nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác xã, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững; cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu Quảng Ninh…
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, xác định xây dựng và công khai quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu để phát triển KT-XH và thu hút đầu tư, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong thuê các tư vấn hàng đầu quốc tế lập đồng bộ 7 quy hoạch chiến lược (quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH. Tỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch về môi trường; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch phát triển khoa học công nghệ) với tầm nhìn dài hạn, khoa học, có chất lượng, càng làm tăng giá trị tài sản vô hình và hữu hình của địa phương, tạo cơ hội lớn gia tăng giá trị với các nguồn lực tài chính, tài sản của nhà đầu tư…
Quảng Ninh cũng luôn quan tâm lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần chủ động, quyết liệt. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh làm việc với 600 lượt doanh nghiệp, qua đó, Quảng Ninh đã lắng nghe, giải quyết và tiếp nhận có hàng trăm ý kiến, kiến nghị, và khó khăn; giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng có điều kiện tốt để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề để gặp gỡ, lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; cũng như có các buổi làm việc với các doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị về lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản vào thứ 7 hằng tuần.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: "Chìa khóa" thành công trong tương lai
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là trụ cột quan trọng để Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, đồng thời tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Đầu tháng 4/2024, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng về số lượng, cơ cấu, chất lượng, đảm bảo cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế… Thực hiện đề án, các cấp, ngành trên địa bàn đã xây dựng và triển khai quyết liệt, đồng bộ hàng loạt giải pháp.
Đại diện các trường đại học, cao đẳng tại Quảng Ninh tư vấn cho học sinh tại chương trình "Tư vấn mùa thi, định hướng nghề nghiệp năm 2024". Ảnh: Thu Phương. |
Trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc quyền quản lý; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để tăng quy mô, chất lượng đào tạo, phân luồng tuyển sinh. Tháng 7/2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2024/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021 - 2025.
Các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ cùng các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp; hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 31.350 lượt người lao động, trong đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 950 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đã đạt 87%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 51%. Điều này tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ; góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong tương lai.