Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị.
Tại sự kiện này, đại diện các địa phương và doanh nghiệp hai nước các tập trung trao đổi, thảo luận sâu và định hướng thu hút đầu tư FDI, ODA, NGO; đẩy mạnh hợp tác sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo và lao động. Mặt khác, đây là cơ hội để gặp gỡ, trao đổi giữa chính quyền với chính quyền, chính quyền với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An và các tỉnh của Nhật Bản thông qua việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cung cấp thông tin, tăng cường hiểu biết, tin tưởng; định hướng các nội dung hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới trên tinh thần hợp tác và phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ông Thái Thanh Quý chia sẻ, tiếp nối truyền thống hữu nghị mà cụ Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba Sakitaro gây dựng, những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài các đối tác Nhật Bản và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Về hợp tác song phương, tỉnh Nghệ An đã và đang xây dựng mối quan hệ hữu nghị hợp tác với các tỉnh Gifu, Shizuoka, Kochi; TP. Vinh đã thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với TP. Kasumigaura, tỉnh Irabaki…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Hội nghị là cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, kết nối và cùng tìm ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa giữa Nghệ An với các chính quyền, đối tác và doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phó Thủ tướng cũng nhắc đến người đầu tiên nối nhịp cầu ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản là chí sỹ Phan Bội Châu, người con của quê hương Nghệ An, người khởi xướng phong trào Đông Du và được xem là sứ giả văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Mối quan hệ thân thiết giữa cụ Phan Bội Châu với những người bạn Nhật Bản, đặc biệt là bác sỹ Asaba Sakirato đã điểm tô thêm nét đẹp của chủ nghĩa yêu nước, giá trị nhân văn trong sáng và tình yêu thương nhân loại cao cả. Đó cũng là điểm nhấn rất đặc biệt, tạo tiền đề và niềm cảm hứng mạnh mẽ cho sự phát triển, vươn lên tầm cao mới của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung và Nghệ An với các đối tác của Nhật Bản nói riêng.
Thông qua Hội nghị “Gặp gỡ Nghệ An - Nhật Bản: Hợp tác và phát triển”, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ hiểu rõ hơn về tỉnh Nghệ An để thúc đẩy mạnh mẽ, tạo làn sóng đầu tư, kinh doanh mới; tăng cường hợp tác và xây dựng chiến lược phát triển đầu tư kinh doanh lâu dài tại vùng đất này |
Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản với tinh thần “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” được đánh giá là đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển trong tất cả các lĩnh vực và đang lan tỏa mạnh mẽ từ cấp Trung ương tới các địa phương hai nước; điều đó đã khẳng định các cấp chính quyền của Việt Nam, nhất là các địa phương khu vực Bắc Trung bộ, trong đó có tỉnh Nghệ An luôn hoan nghênh, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chính quyền địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đối tác Nhật Bản tăng cường mở rộng, nâng cao chất lượng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực.
Ngài Umeda Kunio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh tại hội nghị: Đây là cơ hội để trao đổi hợp tác 2 bên, thu hút nhiều hơn nữa đầu tư vào Nghệ An, đã, đang và sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng hơn nữa.
Ngài Umeda Kunio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Để nâng cao chất lượng quan hệ Nghệ An - Nhật Bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tỉnh Nghệ An cần nỗ lực hết mình từ đổi mới nhận thức, tư tưởng, chính sách đến hành động. Trước hết, tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ Nghệ An - Nhật Bản từ đối ngoại đến thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch… Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi hóa, cải cách hành chính ở tất cả các cấp, có cơ chế thu hút các nguồn lực, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu…; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thân thiện với doanh nghiệp, có độ mở cao và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản được tiếp cận những cơ hội tiềm năng, hoạt động kinh doanh bình đẳng, cùng có lợi tại Nghệ An.
Về phía các doanh nghiệp, cần tích cực đổi mới, sáng tạo, tăng cường kết nối nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, mong muốn của các đối tác, các nhà đầu tư Nhật Bản, đồng thời đổi mới nội dung, hình thức giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng hợp tác, kinh doanh tại địa phương mình.
“Tỉnh Nghệ An cần phát huy tốt nội lực, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương, thúc đẩy liên kết giữa hai bên thông qua tăng cường, chủ động hợp tác về ODA, thương mại, đầu tư... Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác hai bên đã triển khai, cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược trung hạn, dài hạn để chủ động hợp tác theo hướng bền vững trong các lĩnh vực tiềm năng khác chưa được khai phá”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng tin rằng, với sự đồng hành của Chính phủ, sự nỗ lực, đồng lòng của chính quyền tỉnh Nghệ An và các đối tác đến từ Nhật Bản, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung và hợp tác Nghệ An - Nhật Bản nói riêng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu rộng; sự kết nối giữa 2 đất nước, 2 dân tộc, 2 nền kinh tế và hợp tác liên kết vùng giữa hai bên, tiêu biểu là quan hệ hợp tác Nghệ An - Nhật Bản sẽ ngày càng chặt chẽ, mở ra một thời kỳ phát triển mới tốt đẹp hơn trong quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa hai nước.