Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Cần khung pháp lý đồng bộ
Vấn nạn nhập lậu thuốc lá thế hệ mới
Tại Hội thảo “Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách” do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tổ chức gần đây, bà Hà Thị Doánh, Đại diện Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục quản lý Thị trường - Bộ Công Thương cho biết: Sử dụng thuốc lá thế hệ mới ngày một gia tăng, tuy nhiên, do hành lang pháp lý và thuế chưa được thiết lập cho thuốc lá thế hệ mới, tất cả các sản phẩm này tại Việt Nam đều được nhập lậu và tiêu thụ tràn lan trên thị trường “chợ đen”. Các sản phẩm nhập lậu này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa, không bảo đảm an toàn chất lượng.
Các đại biểu thảo luận về khung pháp lý cho thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu tác hại thuốc lá, đảm bảo trật tự kinh doanh và không bị thất thu ngân sách từ thuế |
Điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan quản lý thị trường trong việc kiểm soát và xử phạt, bởi lẽ, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa có quy định pháp luật quản lý cụ thể. Hầu hết các vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh mặt hàng này chỉ có thể áp dụng Điều 15 (kinh doanh hàng hóa nhập lậu) hoặc Điều 17 (kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ) tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, do chưa có căn cứ pháp luật để xác định một số loại thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nên việc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 190, 191 (Tội buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không thể được áp dụng.
Theo đó, cơ quan quản lý thị trường chỉ tịch thu tang vật, xử phạt hành chính với mức cao nhất là 50 triệu đồng. Hình thức xử phạt này chưa tương xứng, dẫn đến công tác kiểm soát, ngăn ngừa từ các cơ quan chức năng càng khó có thể thực hiện.
Cần có chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới phù hợp
Để giải quyết vấn đề này, bà Doánh cho rằng, Việt Nam không nên tiếp tục để ngỏ thị trường cho các sản phẩm lậu hoành hành mà cần ban hành một khung pháp lý đồng bộ, đồng thời áp dụng cho cả thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin và thuốc lá làm nóng để giải quyết dứt điểm những bất cập nêu trên, góp phần đẩy lùi tình trạng nhập lậu đang ngày càng gia tăng, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để quản lý mặt hàng này.
Bà Hà Thị Doánh, Đại diện Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục quản lý Thị trường - Bộ Công Thương nhấn mạnh cần đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý đồng bộ để góp phần đẩy lùi tình trạng nhập lậu đang ngày càng gia tăng |
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho hay: Tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây và rất đáng lo ngại, gây ra các hệ lụy về an sinh xã hội và sức khỏe người dùng.
Thứ nhất, đối với người tiêu dùng, do các sản phẩm nhập lậu, hoàn toàn không chịu sự kiểm tra, giám sát về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu, do đó, sức khỏe người tiêu dùng gặp rất nhiều rủi ro.
Thứ hai, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp thường được dùng để hỗ trợ cho các hoạt động bất hợp pháp khác gây ra những bất ổn tiềm tàng cho xã hội.
Thứ ba, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước và thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.
Thứ tư, các cơ quan quản lý thị trường đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm do chưa có một khuôn khổ chính sách đầy đủ cho thuốc lá mới và không có sản phẩm hợp pháp thay thế trên thị trường.
“Thực trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới đã rất rõ ràng, đây là thời điểm cần phải có một giải pháp quản lý nhằm hài hòa lợi ích Nhà nước, người hút thuốc và doanh nghiệp cũng đã được Chính phủ chỉ đạo”, ông Cường nhấn mạnh.
Trước thực tế này, ông Cao Trọng Quý - Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận: Hiện ở Việt Nam các loại thuốc lá thế hệ mới chưa có chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có thể tiếp cận các sản phẩm này dễ dàng cả ở trên mạng và chợ truyền thống.
“Lực lượng chức năng đã tăng cường xử lý nhưng thực tế người dân vẫn mua và sử dụng được các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Khi chưa có chính sách quản lý, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát, vậy không biết là người dân đang hút cái gì vào người?” - ông Quý cho biết.
Làm rõ hơn vấn đề, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, tất cả các văn bản của Bộ Y tế gửi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành từ trước đến nay đều đề xuất cấm sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới trong đó có thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, đại diện Bộ Y tế cho biết Bộ đang lắng nghe các ý kiến phản hồi của các bên để có cơ sở trình Chính phủ và Quốc hội ban hành các chính sách phù hợp |
“Tuy nhiên, Bộ vẫn lắng nghe các ý kiến khác, đặc biệt là những đối tượng đang chịu sự tác động, những lo lắng từ cơ quan quản lý khi hoạch định chính sách, trong đó có tính toán đến các yếu tố kinh tế - xã hội, sự phát triển cho các doanh nghiệp và thuế. Bên cạnh đó cũng phải cân nhắc các vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu để có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ trình lên Chính phủ, đánh giá một cách khách quan, công bằng, công tâm về các sản phẩm này ở thời điểm hiện nay trước khi ban hành các chính sách phù hợp”, bà Thủy nhấn mạnh.
Các đại biểu tham gia cũng thống nhất quan điểm Việt Nam nên khảo cứu các kinh nghiệm quốc tế và các dữ liệu toàn cầu về xu hướng phát triển và bằng chứng khoa học về giảm thiểu tác hại, rủi ro của thuốc lá thế hệ mới để đưa các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vào quản lý đồng bộ và đồng thời, dưới cùng một khung pháp lý, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, điều kiện kinh doanh, sản xuất, xuất - nhập khẩu và phân phối sản phẩm, chính sách về thuế, các quy định về ghi nhãn hàng hóa…