Thứ năm 21/11/2024 20:42

Quản lý thuế với sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng vào Việt Nam: Cách nào?

Dù bán hàng vào thị trường trong nước nhưng các sàn thương mại điện tử nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam khiến công tác quản lý thuế gặp khó.

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông phản ánh mạnh mẽ về sự cạnh tranh không lành mạnh của sàn thương mại điện tử Temu tại thị trường Việt Nam khi hoạt động chưa được cấp phép, bán hàng rầm rộ và cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp nội địa.

Ngay lập tức, Bộ Công Thương - đơn vị chủ quản trong lĩnh vực thương mại điện tử đã phản ứng kịp thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ rà soát và tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Trong đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và Temu… nói riêng. Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Khó khăn trong công tác quản lý thuế với sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng vào Việt Nam. Ảnh: Bnews/TTXVN

Chưa nói về hệ lụy của việc cạnh tranh không lành mạnh, hay hành động không đăng ký hoạt động của sàn Temu hay các sàn thương mại khác, chỉ riêng việc quản lý thuế đối với các sàn này được nhận định rất khó khăn.

Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp cho Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật của Bộ Tài chính do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào trung tuần tháng 10, nhiều chuyên gia cũng như đơn vị tư vấn thuế đã lên tiếng về việc này.

Đứng ở góc độ nghiên cứu, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý, Viện Nhà nước và Pháp luật - nêu bật khái niệm thuế gián thu (thuế VAT) đối với nhà bán hàng nước ngoài khi hàng hóa dịch vụ của họ được tiêu dùng/tiêu thụ tại một quốc gia.

Không khó để nhận ra các gian hàng quốc tế trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Shopee, Tik Tok, Tiki… theo thông lệ quốc tế, đây mới là đối tượng cần quan tâm xem xét việc thu tại nguồn các loại thuế gián thu từ hàng hóa, dịch vụ được giao đến và tiêu dùng tại Việt Nam”, ông Bạch Dương cho hay.

Do vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý thuế đối với sàn thương mại điện tử không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, ông Bạch Dương cho rằng, trong chính sách thuế cần làm rõ nghĩa vụ về thuế đối với người bán nước ngoài trên sàn thương mại điện tử Việt Nam và sàn thương mại điện tử không có cơ sở thường trú ở Việt Nam nhưng bán hàng hóa và thị trường Việt Nam.

Ở góc độ đơn vị tư vấn thuế, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tư vấn thuế - Công ty TNHH Tư vấn thuế Deloite Việt Nam - bình luận, Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật của Bộ Tài chính đề xuất yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số tại Việt Nam phải trực tiếp đăng ký thuế, kê khai, tính nộp thuế tại Việt Nam hoặc ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện các nghĩa vụ này. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng sửa đổi định nghĩa về người nộp thuế tại Việt Nam bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Việc đưa ra quy định này, theo đại diện Deloite có thể dẫn đến một số khó khăn trong việc thực thi và có thể gây tranh cãi. Trước hết, việc đánh thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng lại có thu nhập từ các dịch vụ kinh doanh điện tử và nền tảng số tại Việt Nam, có thể không phù hợp với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, cũng như các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Chúng ta cần làm rõ hơn về cơ sở pháp lý và cách thức xác định thu nhập từ các hoạt động này, đồng thời xem xét các cam kết quốc tế của Việt Nam đối với việc đánh thuế hai lần, để đảm bảo không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của DTA. Việc nắm rõ các hiệp định quốc tế này là rất quan trọng để tránh những tranh chấp hoặc áp dụng chính sách thuế không đúng đắn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ với các quốc gia đối tác và doanh nghiệp quốc tế”, ông Bùi Ngọc Tuấn đề xuất.

Cách thức nào để quản lý thuế với sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng vào Việt Nam đã và đang được cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên, việc tuân thủ đầy đủ các quy định, chấp hành nghĩa vụ thuế và đảm bảo chất lượng hàng hóa là yêu cầu tiên quyết nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh công bằng.

Hải Linh
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

Gia Lai: Hỗ trợ cô giáo nghèo vượt qua gia cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế: Trợ lực 'tiếp sức' cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế

Bí quyết ‘cơ động’ của thầy Cường ‘động cơ’

Bộ Công Thương ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 9 (bão Man-yi)

Từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư suy ngẫm về việc xử lý thành công các dự án tồn đọng

Tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh thực sự hay áp lực hình thức?

Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Đâu là lời giải cho "bài toán" thu hút đầu tư?

TP. Hồ Chí Minh: Tiệm mì 0 đồng lan tỏa yêu thương của những chàng trai Hóc Môn

Trách nhiệm thi hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Giải ngân vốn đầu tư công bứt tốc cuối năm để về đích

Bộ Công Thương ban hành Thông tư về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu đầu mối quản lý về công nghiệp thực phẩm

Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học

Cấm phân lô, bán nền có kiểm soát được thị trường bất động sản?

Bộ Công Thương làm việc với Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu về phát triển nhiên liệu sinh học

Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Hải Dương

Đề xuất người bị sa thải không được trợ cấp thất nghiệp: Công nhân lớn tuổi thêm nỗi lo

Thủy điện Quảng Trị: Anh Nguyễn Trí Thức - Người lãnh đạo gương mẫu, tận tâm

Chống lãng phí: Thiếu vật liệu san lấp dự án giao thông sao không dùng tro xỉ?

Vụ GFDI vỡ nợ hơn 3.700 tỷ đồng: 'Bánh ngọt' liệu có dễ xơi?