Quản lý nợ công bằng công cụ theo thông lệ quốc tế
Hội thảo chuyên đề tham vấn xây dựng chương trình quản lý nợ công vận dụng khuôn khổ chiến lược nợ trung hạn (MTDS) do Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức ngày 22/11/2022 tại Hà Nội
Hội thảo nhằm tổng kết lại các trao đổi, đánh giá của các chuyên gia về dự báo nhu cầu vay và dự kiến trả nợ, điều kiện tài chính, lựa chọn các nguồn vốn vay và quy mô vay vốn, cơ sở dự báo lãi suất và tỷ giá; trên cơ sở đó các chuyên gia IMF/WB đánh giá kết quả nghiên cứu sơ bộ MTDS đối với Việt Nam để đưa ra khuyến nghị trong xây dựng kế hoạch vay trả nợ.
Theo ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, công tác quản lý nợ công ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức trong bối cảnh vĩ mô có nhiều diễn biến khó dự đoán, cùng với việc Việt Nam đã “tốt nghiệp” các khoản vay ODA của WB, phải chuyển hướng sang huy động vốn thông qua các công cụ nợ với điều kiện tiệm cận thị trường, công tác quản lý nợ công ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức.
Ảnh minh hoạ |
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng về huy động vốn vay của Chính phủ, áp dụng cách tiếp cận chủ động trong quản lý nợ để giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước, quản lý rủi ro hiệu quả.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa nguồn vốn, phương thức và kỳ hạn vay; cân đối giữa nợ trong nước và nước ngoài để đáp ứng nhiệm vụ huy động vốn của Chính phủ, hạn chế sự phụ thuộc vào các thị trường có điều kiện vay biến động...
Về định hướng vay trong nước, cơ quan quản lý cần đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ, bao gồm cả kỳ hạn dưới 5 năm, góp phần hoàn thiện đường cong lãi suất chuẩn; phấn đấu đưa trái phiếu chính phủ Việt Nam vào “rổ” chỉ số trái phiếu chính phủ các nước mới nổi; hoàn thiện cơ chế chính sách về đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn, đa dạng hóa loại hình quỹ đầu tư mục tiêu trong đó có quỹ đầu tư trái phiếu...
Ông Lars Jessen - chuyên gia của WB nhận xét Luật Quản lý nợ công 2017 của Việt Nam đã đặt nền móng cho cải cách nợ công trong thời gian qua và đạt được kết quả khả quan trên nhiều phương diện, bao gồm: chương trình quản lý nợ công 3 năm 2023-2025 đã bắt đầu dựa trên phân tích bằng công cụ MTDS; phát hành trái phiếutrong nước thực hiện trên cơ sở kế hoạch vay, trả nợ và kế hoạch phát hành; điều phối ngắn hạn giữa phát hành nợ và quản lý ngân quỹ cải thiện; áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ và cho vay lại...
“Việt Nam tiếp tục xây dựng các chỉ tiêu nợ và mục tiêu cơ cấu nợ; củng cố trao đổi thông tin với các nhà đầu tư; tăng cường hệ thống công nghệ thông tin quản lý nợ; cải thiện báo cáo nợ và dữ liệu nợ, đặc biệt là bản tin nợ công...”- ông Lars Jessen khuyến nghị
Kể từ năm 2012, với sự hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã sử dụng khuôn khổ Chiến lược quản lý nợ trung hạn để làm cơ sở xây dựng các công cụ quản lý nợ chủ động gồm có: Chiến lược quản lý nợ giai đoạn 10 năm, Kế hoạch vay trả nợ công giai đoạn 5 năm và Chương trình quản lý nợ công 3 năm, Kế hoạch vay trả nợ công hàng năm.
Đây là công cụ do WB/IMF nghiên cứu, phát triển nhằm hỗ trợ các chính phủ tính toán, lựa chọn phương án huy động vốn vay nhằm đạt được cơ cấu nợ phù hợp với khẩu vị rủi ro của mỗi nước trên cơ sở đánh giá dự báo các yếu tố về vĩ mô như: GDP, lạm phát, thu chi ngân sách nhà nước; điều kiện tài chính như nghĩa vụ trả nợ của danh mục nợ hiện hành, đồng tiền, lãi suất, kỳ hạn, ân hạn...; điều kiện thị trường vốn và khả năng vay vốn qua các kênh khác nhau của Chính phủ.