Chính sách quản lý Fintech chưa theo kịp sự phát triển Thử nghiệm 3 giải pháp Fintech kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng Fintech mang lại nhiều cơ hội mới cho tài năng IT Việt |
Đây là quan điểm được TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nêu tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” diễn ra ngày 16/4 tại Hà Nội
Quản lý Fintech theo cách “thử nghiệm và học hỏi” |
Theo TS. Cấn Văn Lực, công nghệ tài chính (Fintech) trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang phát triển tương đối mạnh mẽ, nhưng không đồng đều và có cách hiểu, cách tiếp cận, quản lý rất khác nhau. Đa số cách hiểu hiện nay về Fintech là theo nghĩa hẹp là các công ty Fintech, thay vì hiểu theo nghĩa rộng Fintech là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Để quản lý Fintech, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có 4 cách tiếp cận chính: Chờ đợi và quan sát; thử nghiệm và học hỏi; cơ chế thúc đẩy sáng tạo; cải cách luật pháp.
“Các cách tiếp cận này đều có ưu và nhược điểm riêng và cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có thể vận dùng phù hợp với mỗi quốc gia”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Tại Việt Nam, theo ông Lực, Fintech vẫn chủ yếu được hiểu theo nghĩa hẹp và với cách tiếp cận quản lý là “chờ đợi và quan sát”. Thời gian gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã dần chuyển sang cách tiếp cận chủ động hơn để hỗ trợ hoạt động Fintech và quá trình chuyển đổi số của thị trường tài chính.
Tuy nhiên, theo ông Lực, trong thời gian tới, Việt Nam nên áp dụng dụng cách tiếp cận “thử nghiệm và học hỏi” một cách rộng rãi hơn, tổng thể hơn với Fintech trên toàn thị trường tài chính, chứ không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, việc thành lập một cơ quan đầu mối quản lý như một ủy ban quản lý - giám sát liên ngành cũng cần được xem xét để có mô hình quản lý Fintech phù hợp hơn cùng với việc đẩy mạnh giáo dục tài chính và tăng cường quản lý rủi ro công nghệ thông tin và an ninh mạng.
Fintech trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang phát triển tương đối mạnh mẽ |
Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và tiến tới mở rộng sang các lĩnh vực tài chính khác như: Chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ. Đồng thời, tập trung thúc đẩy hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo; cân nhắc thành lập Hiệp hội Fintech tại Việt Nam.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng tài chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia cùng với năng lực quản lý rủi ro công nghệ thông tin, an toàn thông tin, dữ liệu. Đặc biệt là tăng cường đầu tư cho giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân, nhà đầu tư; quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả mảng tài chính, công nghệ số và an ninh mạng…
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.
Cũng trong lĩnh vực Fintech, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Theo đánh giá của Tập đoàn Robocash (năm 2022), thị trường Fintech Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực sau Singapore, dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2024 với mức độ cạnh tranh cao. Việt Nam cũng được đánh giá đạt vị trí số 1 trên thế giới về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu năm 2022.