Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Đại biểu bàn phân cấp, phân quyền
Đã đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro
Thảo luận tại tổ sáng ngày 23/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) có tầm quan trọng rất lớn vì liên quan đến chính sách cán bộ, cơ quan đại diện chủ sở hữu như Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, các bộ, các tổ chức chính trị - xã hội và các cán bộ; liên quan đến đối tượng doanh nghiệp, đối tượng doanh nghiệp từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, tức là doanh nghiệp nhà nước theo định nghĩa hiện nay.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa- Đoàn TP. Hồ Chí Minh phát biểu góp ý tại tổ. Ảnh: Thu Hường |
Vì tầm quan trọng của luật liên quan đến các doanh nghiệp hiện đang được coi là “trụ cột, xương sống của nền kinh tế” do vậy đại biểu đề nghị cần xem lại định nghĩa vốn và nguồn vốn.
“Vốn Nhà nước đầu tư từ ngân sách hay từ đâu? phải xác định rõ rằng vốn góp này là vốn điều lệ. Phải phân biệt sau khi góp vào nhà nước có 51%, các nhà đầu tư tư nhân có 49%, làm ăn nhiều năm sau thì tài sản tăng lên hoặc tích lũy để lại thuộc về ai thì phải xác định cho rõ, có phải vốn nhà nước không, vì trong luật cũ có vốn nhà nước và vốn tại doanh nghiệp nhà nước”- đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, đầu tư có lời, có lỗ nhưng trong dự thảo luật đưa nguyên tắc bảo toàn vốn, vậy bảo toàn bao nhiêu? Bảo toàn số vốn góp ban đầu (vốn điều lệ) hay số vốn được tăng lên sau nhiều năm làm ăn có lãi? Rồi công tác xử lý, trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước nếu bị thua lỗ thì như thế nào?...
“Trong làm ăn, doanh nghiệp cạnh tranh thì có lên có xuống, có lời, có lỗ. Thị trường là như vậy,… đầu tư phải chấp nhận thua lỗ. Trong Hiến pháp, trong Nghị quyết Đảng cũng nói quản lý nhà nước theo quy luật của nền kinh tế thị trường và quy luật khách quan”- đại biểu Nghĩa phân tích.
Thêm vào đó, khi đã đầu tư thì chúng ta hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và theo cơ chế thị trường thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước phải được sự linh hoạt.
“Tôi thấy luật này chưa giải tỏa được vấn đề cơ bản. Như vậy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước sẽ không bao giờ cạnh tranh nổi, trừ trường hợp những doanh nghiệp nhà nước được sự ưu đãi thêm”- đại biểu Nghĩa khẳng định.
Toàn cảnh phiên họp tại tổ 2. Ảnh: Thu Hường |
Cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền
Ở góc nhìn khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân -Đoàn TP. Hồ Chí Minh đề nghị phải phân cấp, phân quyền mạnh cho doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ, tại Quốc hội khóa XIII, những năm đầu 2011, 2012 các đại biểu thảo luận rất nhiều về doanh nghiệp nhà nước. Lúc đó Đảng ra nghị quyết về tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, số lượng doanh nghiệp nhà nước lúc bấy giờ thua lỗ rất lớn, có những dự án đến bây giờ mới báo cáo là được giải quyết.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, năm 2014, Quốc hội khóa XIII ra một nghị quyết về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Cho đến nay số lượng doanh nghiệp nhà nước đã rút lại chỉ còn khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp. Hiện nay có 19 tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước với số vốn tự có khoảng là 1,1 triệu tỷ đồng, hiệu quả lợi nhuận mang được trong năm 2023 là 53.256 tỷ đồng. Con số rất lớn và quan trọng hơn nó đóng góp quan trọng trong nền kinh tế để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và có những quyết sách quan trọng cần phải có doanh nghiệp nhà nước để tham gia, như đại dịch Covid- 19 cũng phải xuất hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước tham gia vào giải cứu, hỗ trợ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hường |
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của các doanh nghiệp nhà nước đang có. Một số nơi, cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước hiện nay sợ, khoanh lại, chậm lại trong việc đưa ra các quyết định. Trong điều kiện phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố thời gian là yếu tố rất quyết định.
“Chúng ta phải mạnh dạn theo hướng phân cấp, phân quyền, cho nên luật phải phân cấp nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhà nước. Đi liền với đó là cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, vì đó là vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”- đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Dự thảo luật mới quan tâm nhiều và đề cập đến đối tượng là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ. Như vậy còn lại số doanh nghiệp nhà nước dưới 100% còn khoảng trống. Việc tách bạch phân định rõ chức năng giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu và doanh nghiệp đang sử dụng vốn Nhà nước tách bạch chưa rõ. Do vậy, đại biểu đề nghị Luật phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị này.
Điều 24 về đầu tư vốn, góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp và khoản 3 và 4 của Điều 25 quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn, đại biểu cho rằng nên phân cấp mạnh cho chủ đầu tư- đó là các doanh nghiệp.
Đại biểu phân tích, nếu chúng ta đi theo trình tự của Luật Đầu tư công thì rất khổ cho doanh nghiệp, khi Nhà nước quyết định đầu tư vốn vào doanh nghiệp, nguồn từ Nhà nước là nguồn ngân sách nhà nước nhưng về với doanh nghiệp thì đó là vốn của doanh nghiệp và doanh nghiệp chịu trách nhiệm sử dụng đồng vốn này để phát sinh hiệu quả để đóng góp cho sự phát triển chung. Người đại diện chủ sở hữu sẽ được hưởng lợi nhuận trên cơ sở chủ phần vốn đã góp, còn lại phân cấp cho doanh nghiệp trong việc làm các quy trình thủ tục trong đầu tư, có như vậy mới kịp thời cơ yếu tố quyết định.
“Chúng ta đã có công cụ kiểm tra, giám sát, thanh tra khi cần thiết nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng”- Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh và chia sẻ thêm rằng, đã là đầu tư dĩ nhiên có rủi ro, có lợi nhuận. Còn rủi ro do cố ý làm trái, cố ý là tham nhũng, tiêu cực thì phải xử lý, còn rủi ro trong kinh doanh chúng ta phải chấp nhận.