Đánh thức "giấc mơ ngủ đông" điện hạt nhân - Bài 1: Giấc mơ lớn qua 3 kỳ Đại hội Đảng
“Đánh thức 'giấc mơ ngủ đông' điện hạt nhân - Bài 1: Giấc mơ lớn qua 3 kỳ Đại hội Đảng”- bài viết của nhóm tác giả Nguyên Minh - Nguyễn Cường được đăng tải trên Báo Công Thương tại trang web congthuong.vn là nội dung trong bài Podcast ngày hôm nay, kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Đánh thức "giấc mơ ngủ đông" điện hạt nhân - Bài 1: Giấc mơ lớn qua 3 kỳ Đại hội Đảng
Phát triển điện hạt nhân là con đường tất yếu để đất nước đủ điện cho tăng trưởng GDP hai con số. Thế nhưng giấc mơ này đã "ngủ đông" qua 3 kỳ Đại hội Đảng.
Tổng Bí thư nói về điện hạt nhân trên diễn đàn Quốc hội
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu trước Quốc hội về Luật Điện lực (sửa đổi) trong đó có vấn đề liên quan đến điện hạt nhân ngày 23/11/2024 |
Sáng 3/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tới Hải Phòng rất sớm để dự chương trình tiếp xúc cử tri tại thành phố năng động và công nghiệp rất phát triển này.
Trước giờ vào hội nghị, đã có nhiều ý kiến cử tri, lãnh đạo thành phố mong muốn được nghe những “câu chuyện mới”, triển vọng mới từ kỳ họp có nhiều quyết sách lịch sử. Với niềm vui xen lẫn hào hứng và xúc động, Bộ trưởng đã chia sẻ về việc Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua trong một kỳ họp, đó thật sự là một kỳ tích, một dấu ấn ngoạn mục mang tính lịch sử để mở đường cho phát triển.
Quyết sách lớn được thông qua có vai trò chỉ đạo sát sao và mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm ngay tại kỳ họp và một trong những điều Bộ trưởng thấy bất ngờ, xúc động nhất chính là những phát biểu, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về điện hạt nhân. Chính điều này đã cởi bỏ được mối lo luôn canh cánh trong lòng người đứng đầu ngành Công Thương là phải lãnh đạo, điều hành như thế nào để đủ điện cho phát triển.
Đây quả là một bài toán khó, quá khó. Tạp chí Năng lượng, nơi hội tụ nhiều chuyên gia hàng đầu về điện từng có rất nhiều bài viết cảnh báo, khuyến nghị, coi bảo đảm đủ điện cho tăng trưởng kinh tế gần như một nhiệm vụ bất khả thi nếu Việt Nam không có giải pháp mạnh mẽ hơn về điện và hướng tới điện hạt nhân.
Chiều 26/10/2024, một ngày giữa thu tiết trời rất đẹp, lại nhằm ngày thứ bảy cuối tuần đã diễn ra thảo luận ở tổ, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tại tổ có Tổng Bí thư Tô Lâm dự, các phóng viên cũng không được thông tin trước là Tổng Bí thư có phát biểu hay không. Vậy mà bất ngờ, Tổng Bí thư phát biểu, dành hẳn thời lượng hàng chục phút cho vấn đề sửa đổi Luật Điện lực, cho những định hướng làm sao đủ điện cho phát triển. Và Tổng Bí thư đã nhắc đến điện hạt nhân với nhiều trăn trở. Ông nhấn mạnh: “Yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng năng lượng là một trong những vấn đề dẫn dắt, trụ cột, là một trong những cái điểm đột phá. Bây giờ chúng ta đang đứng thách thức thiếu điện trầm trọng. Vừa qua có một số nhà đầu tư đã tính trước rồi, nếu Việt Nam phát triển như thế này thì độ vài năm nữa là thiếu điện, thôi không đầu tư vào đấy".
“Làm thế nào để đáp ứng đủ lực nguồn năng lượng để cho phát triển"?, Tổng Bí thư nêu câu hỏi và nhắc tới mốc năm 2045: “Bây giờ phải điện hạt nhân, thế giới người ta cũng đang làm như thế. Trước đây ta có chủ trương rồi nhưng đấy vì lý do này rút ra, chúng ta tạm dừng lại thì vừa rồi hội nghị Trung ương 10, nhất trí là phải khởi động lại, phải có chủ trương nghiên cứu về vấn đề này để xin ý kiến Quốc hội. Bây giờ có chủ trương ít nhất chục năm nữa mới có nhà máy điện hạt nhân. Phải rất chủ động. Không thể chờ mấy năm định hướng, mấy năm khảo sát, mấy năm mặt bằng, mấy năm tìm công nghệ. Thời gian không cho phép như thế. Chúng ta phải làm rất nhanh, làm đồng bộ các khâu” - Tổng Bí thư chỉ đạo.
Hôm ấy, nghe những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ trưởng rất mừng nhưng cũng rất lo lắng vì nhiệm vụ bảo đảm điện cho phát triển ngày càng cao.
Chỉ ba ngày sau, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với các đơn vị và tập đoàn năng lượng toàn ngành Công Thương để “lên kịch bản”, phân giao nhiệm vụ cung ứng điện năm 2025. Tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi” được Bộ trưởng nhấn mạnh khi nhắc đến tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp với tiểu ban chuẩn bị dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Tổng Bí thư nêu thông điệp về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, muốn vươn mình phải phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, tăng trưởng GDP bình quân phải 2 con số. Mà đối với ngành điện, cứ mỗi %GDP tăng trưởng, điện phải phát triển 1,8-2%. Như vậy trong kỷ nguyên vươn mình, điện phải luôn tăng trưởng trên 20%/năm. Đó là một nhiệm vụ, một bài toán cực khó nhưng không thể không hoàn thành.
Bộ trưởng và kỷ niệm đăng đàn bất ngờ
Cùng với Luật Điện lực được sửa đổi kịp thời, một dấu mốc lịch sử nữa của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV chính là việc thông qua chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Khoảnh khắc lịch sử quan trọng ấy khiến Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bồi hồi xúc động nhớ lại kỳ họp Quốc hội cách đây 2 năm. Ông từng bất ngờ được Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận hỏi quan điểm, giải pháp về điện hạt nhân.
Hôm ấy là chiều 30/5/2022, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay”. Không ai nghĩ sẽ có một câu hỏi liên quan đến Bộ Công Thương hay điện hạt nhân thì bất ngờ đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận phát biểu cho biết: Quốc hội khóa XIV đã có chủ trương dừng thực hiện, đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2016. Thế nhưng gần 14 năm qua, các vấn đề về quy hoạch làm ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của người dân vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc, làm ảnh hưởng tới thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, người dân mòn mỏi chờ đợi.
Bà Hương kiến nghị Trung ương sớm xem xét, cho ý kiến chính thức về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Quốc hội, Chính phủ sớm sơ kết việc thực hiện các nghị quyết, giải quyết các vấn đề, vướng mắc và giải quyết kiến nghị của Bộ Công Thương về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận…
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội giải quyết dứt điểm việc này, xóa bỏ quy hoạch dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Trước ý kiến của các đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khá bất ngờ khi được chỉ định phát biểu giải đáp. Vấn đề này cũng đã khá lâu không được đề cập tới. Vậy nên nói thế nào?
Không né tránh, bằng đánh giá phân tích khách quan của người đứng đầu ngành Công Thương, luôn phải lo giải bài toán đủ điện cho phát triển, ông đi thẳng vào vấn đề, nói rõ nghị quyết của Quốc hội là tạm dừng dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, không phải huỷ bỏ. Do vậy, về nguyên tắc không có cơ sở về việc bỏ hoàn toàn dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. "Ninh Thuận là địa điểm đã được các đối tác cũng như các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu rất kỹ lưỡng trong thời gian dài và đã khẳng định đây là địa điểm phù hợp nhất để phát triển điện hạt nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Ở góc độ ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ về việc cần thiết phải phát triển điện hạt nhân. Bởi lẽ, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, các quốc gia cam kết về việc phát triển năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió). Nhưng để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo này nhất thiết phải có một nguồn điện nền ổn định.
“Điện nền hiện nay chỉ có nhiệt điện than hoặc thuỷ điện. Nhưng điện than chúng ta đã không còn điều kiện để phát triển và thủy điện cũng đã hết dư địa. Trong khi đó, chúng ta cần phải thực hiện những gì đã cam kết ở COP26 và phát triển điện hạt nhân cũng là xu hướng tất yếu các quốc gia trên thế giới đang thực hiện”, Bộ trưởng phân tích.
Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm, 3 năm trước, Hoa Kỳ và Đức là hai quốc gia đã giảm điện hạt nhân nhưng đến nay đã phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn loại hình này, làm cơ sở khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.
Do vậy, Bộ trưởng cho hay, “chúng tôi đã phải kiên trì kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về quy hoạch địa điểm phát triển điện hạt nhân ở Ninh Thuận, chờ đến khi cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục hay không tiếp tục..."; "Không có địa điểm nào phù hợp hơn phát triển ở đây", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Giấc mơ lớn ‘ngủ đông’ cần đánh thức
Năm nay thế giới kỷ niệm 70 năm điện hạt nhân ra đời. Thế giới hiện nay có rất nhiều nước quan tâm phát triển điện hạt nhân. Nhóm các quốc gia tiếp tục coi trọng điện hạt nhân trong chính sách năng lượng của mình như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Một số quốc gia có sự thay đổi chính sách đối với điện hạt nhân như Đức, Thụy Điển, Ấn Độ. Một số quốc gia mới nổi, lần đầu tiên xây dựng và vận hành Nhà máy điện hạt nhân như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh. Một số quốc gia quan tâm đến điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan…
Theo nghiên cứu của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), tại hội nghị khí hậu COP28 kết thúc vào tháng 12 năm 2023, hơn 20 quốc gia đã ký một tuyên bố chung để tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân đến năm 2050. Châu Á vẫn là động lực chính của sự tăng trưởng trong năng lượng hạt nhân, với tỷ lệ của khu vực này trong sản xuất điện hạt nhân toàn cầu dự kiến sẽ đạt 30% vào năm 2026. Châu Á dự kiến sẽ vượt qua Bắc Mỹ trở thành khu vực có công suất hạt nhân lắp đặt lớn nhất vào cuối năm 2026.
Nhưng ở Việt Nam, giấc mơ điện hạt nhân vẫn dang dở dù được khởi động từ hơn 30 năm trước
Nhiều người nhớ mốc lịch sử ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 41/2009/GH12 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200 nghìn tỷ đồng (theo thời giá lập dự toán năm 2008). Theo đó, Việt Nam dự định xây dựng 2 nhà máy có tổng công suất trên 4.000 MW sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất đã được kiểm chứng, dự định sẽ đưa tổ máy thứ nhất vận hành vào năm 2020. Công nghệ dự định xây dựng và sử dụng cho hai nhà máy điện hạt nhân được chuyển giao từ Nga và Nhật Bản, hai quốc gia hàng đầu về công nghệ điện hạt nhân.
Tuy nhiên, sau đó, dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã được Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết dừng vào năm 2016 trên cơ sở xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng điều kiện kinh tế của Việt Nam tại thời điểm đó. Cụ thể theo Văn phòng Chính phủ, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam tại thời điểm năm 2016 có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dự án năm 2009. Do đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ là xem xét lại các dự án ưu tiên để quyết định, triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội là tập trung dồn nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, chú trọng đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại có mức độ ưu tiên.
Sau thời gian dài “ngủ đông”, điện hạt nhân hầu như ít được nhắc đến nếu không có sự kiện hai kỳ họp Quốc hội mà chúng tôi nêu ở trên.
Đúng như Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhiều lần phát biểu về quan điểm nhất quán, tại dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (dự thảo Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương chủ động đề cập tái khởi động dự án điện hạt nhân để xem xét cho giai đoạn sau năm 2030.
Đó là một mốc thời gian phù hợp nhưng giấc mơ điện hạt nhân hẳn sẽ vẫn còn ngủ đông, sẽ khó đột phá nếu không có tầm nhìn xa của những người đứng đầu.
Kính thưa quý vị, chương trình Podcast -Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe, rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.