Phú Thọ: Tạo điều kiện cho ngành nghề thế mạnh
Thời gian qua, hoạt động khuyến công của tỉnh đã triển khai nhiều nội dung khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ thành lập mới DN, hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn, đưa sản phẩm tham dự bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia...
Nhờ nguồn vốn khuyến công, các cơ sở tiếp tục mở rộng sản xuất, tiếp cận thiết bị công nghệ hiện đại |
Theo Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương Phú Thọ, giai đoạn 2018 - 2019, trên địa bàn đã có 22 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến được phê duyệt thực hiện, hỗ trợ DN địa phương đầu tư sản xuất các sản phẩm lợi thế, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như: Chế biến gỗ, chế biến chè, sản xuất thịt chua, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…
Nhiều đề án trên địa bàn tỉnh do nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như Đề án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất gỗ ván, gỗ ép xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Sơn (huyện Tân Sơn), Công ty TNHH Xây dựng Tân Tiến (huyện Thanh Sơn)… Sau khi các dự án này đi vào sản xuất ổn định đã nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 – 7 triệu/người/tháng. Một điển hình khác là Đề án hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn gồm chè, thịt chua; trong đó sản phẩm thịt chua của Hợp tác xã (HTX) Thịt chua Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn), chè của HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc (huyện Tân Sơn) được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tỉnh đã có 2 sản phẩm được vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia là mì gạo Hùng Lô và dầu thực vật Ngọc Tân.
Bên cạnh đó, trung tâm còn hỗ trợ các cơ sở tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, tạo cơ hội tìm kiếm và mở rộng thị trường; tư vấn hỗ trợ DN mới khởi sự kinh doanh về quản trị DN, thị trường tiêu thụ sản phẩm, tham gia sàn thương mại điện tử…
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn khuyến công, Phú Thọ không chỉ hỗ trợ kinh phí mà còn tạo điều kiện phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, khuyến khích kinh tế tư nhân tại địa phương, từ đó các cơ sở tiếp tục mở rộng sản xuất, tiếp cận thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra hàng hóa có giá trị cao, góp phần thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương Phú Thọ dự kiến hỗ trợ xây dựng 4 mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ 10 - 15 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị; phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, tham gia giới thiệu sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng… |