Phú Thọ: Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng ấn tượng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố, tỉnh Phú Thọtiếp tục duy trì vị trí thứ 9/63 các địa phương có đóng góp lớn cho xuất khẩu 7 tháng năm 2024 với 8,1 tỷ USD, đứng thứ 3/14 các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, chỉ sau Bắc Giang và Thái Nguyên.
Theo thống kê, hiện trên toàn tỉnh Phú Thọ có trên 280 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm tại Phú Thọ ghi nhận tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước có thể kể đến như: Mạch điện tử tích hợp ước đạt 44,2 triệu chiếc, tăng 28,7%; sản phẩm bằng plastic ước đạt 80,1 nghìn tấn, tăng 5,3%; máy tính xách tay (kể cả notebook và subnotebook) ước đạt 7,3 triệu chiếc, gấp 2,19 lần cùng kỳ; quần áo may sẵn ước đạt 58,6 triệu sản phẩm, tăng 4,3%...
Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Phú Thọ đạt 8,1 tỷ USD trong 7 tháng. (Ảnh minh họa) |
Theo Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ cho biết, qua điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có tới 86,86% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên; 82,61% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên; chỉ có 13% doanh nghiệp dự kiến giảm khối lượng sản xuất trong 6 tháng cuối năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có nhiều dự án mới và lớn vừa hoàn thành và chuẩn bị đi vào hoạt động như: Dự án sản xuất thiết bị điện tử của Công ty TNHH Innovation Tương Lai Việt; Dự án sản xuất giấy của Công ty TNHH Giấy Mylan; Dự án sản xuất sản phẩm từ plastic của Công ty TNHH Lidong Việt Nam; Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư bất động sản Mehomes Việt Nam, Công ty Cổ phần Gỗ MDF Mekong... Khi đi vào hoạt động, những dự án này được dự báo sẽ tạo đà cho ngành sản xuất công nghiệp của Phú Thọ tăng trưởng cao cho những tháng tiếp theo.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, các Sở, ngành chức năng của tỉnh Phú Thọ xác định thời gian tới tiếp tục tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận vốn tín dụng, thị trường, thủ tục đầu tư, đất đai. Đồng thời, triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thuế, phí, lệ phí, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, đẩy mạnh hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường mới, thị trường xuất khẩu để mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp.