Xin bà cho biết những dấu ấn về phát triển kinh tế, xóa nghèo của phụ nữ Quảng Ninh trong nhiệm kỳ qua?
Là tổ chức chính trị, với gần 49% lực lượng lao động là nữ, trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đóng góp tích cực nhất của phụ nữ trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Quảng Ninh.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh |
Thứ nhất, Chúng tôi đã có những cách làm rất sáng tạo trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em từng đối tượng, đối tượng nào thì phương pháp đó, thiếu cái gì thì cung cấp nội dung đó.
Đặc biệt, về giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ trong thời kỳ thực hiện CNH, HĐH đất nước theo Đề án 343 của Chính phủ, Phụ nữ Quảng Ninh có nhiều đổi mới hơn so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, chú trọng tuyên truyền 4 phẩm chất quan trọng: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.
Thứ hai, Chúng tôi tìm mọi biện pháp hỗ trợ cho chị em phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đây được xem là động lực cho sự phát triển. Chẳng hạn, trong việc hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, Chương trình 101 cách thoát nghèo… thì chúng tôi rất quan tâm xu thế hiện nay, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế hướng đến làm giàu, gắn với chương trình xây dựng thương hiệu, chương trình OCOP của Quảng Ninh, giúp chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, giảm dần nhỏ lẻ manh mún, hướng đến sản xuất ngày càng có quy mô hơn.
Từ định hướng này, phụ nữ Quảng Ninh đã xây dựng được những mô hình điểm các tổ hợp tác phát triển sản xuất, vận động các hộ gia đình nâng quy mô hộ gia đình, để không chỉ xóa nghèo, mà hướng đến làm giàu. Ví dụ như mô hình hợp tác trồng nấm tại Quảng La, trồng ổi Đài Loan tại Hoành Bồ; mô hình nhóm phụ nữ trồng khoai lang Nhật ở xã Đồng Rui và nuôi gà bản địa tại Hải Lạng (Tiên Yên); trồng trà hoa vàng, trồng măng mai tại Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ)…
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, phụ nữ Quảng Ninh xác định trọng tâm trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là gì, thưa bà?
Mô hình trồng nấm lim của hội viên phụ nữ xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên |
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, chúng tôi tập trung vào những vấn đề cụ thể tỉnh Quảng Ninh đang đặc biệt quan tâm.
Đối với làm kinh tế, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ chị em trong phát triển kinh tế và hướng đến làm giàu, nhưng “nhắm” đặc biệt vào sự chuyển đổi về cơ cấu phát triển trong nông nghiệp, trong phát triển du lịch, dịch vụ. Trong đó, chúng tôi chú trọng cho phụ nữ khởi nghiệp và nhất là các DN nữ khởi nghiệp tham gia vào các dự án chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh.
Trong phát triển kinh tế, ngoài duy trì các mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, duy trì các mô hình giảm nghèo hiệu quả, nhiệm kỳ 2016- 2021, chúng tôi sẽ quan tâm đặc biệt đến sự khởi nghiệp của DN nữ vừa và nhỏ, để đồng vốn phát triển tương xứng với mục tiêu trong phát triển kinh tế của Quảng Ninh.
Theo đó, chúng tôi cố gắng cung cấp thông tin, kiến thức, diễn đàn, ví dụ như Diễn đàn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương; Cơ hội và thách thức thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Đồng thời, hội phụ nữ chúng tôi cũng sẽ đề xuất với các cấp chính quyền có chính sách đặc thù, để hỗ trợ cho cộng đồng DN vừa và nhỏ nói chung, trong đó có DN nữ nói riêng.
Quảng Ninh xác định vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm (ATTP) là nhiệm vụ trọng tâm. Vậy bà có thể chia sẻ giải pháp nào, để tạo chuyển biến hiệu quả thực sự đối với chị em phụ nữ trong 2 vấn đề “nóng” này?
Vấn đề môi trường không phải riêng Quảng Ninh mà cả nước đều quan tâm. Đặc biệt, với Quảng Ninh mục tiêu xây dựng thành phố du lịch Hạ Long và xác định chuyển đổi mô hình từ nâu sang xanh được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo tỉnh cũng đã giao trách nhiệm cho hội liên hiệp phụ nữ làm nòng cốt huy động chị em và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường.
Trước mắt, tập trung phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chúng tôi vận động chị em có việc làm cụ thể trong việc tạo cảnh quan môi trường cho thành phố du lịch Hạ Long, từ việc ứng xử văn minh của nhân dân, ý thức bảo vệ môi trường của mọi người trong việc tự phân loại rác thải từ gia đình, đến ý thức đưa rác ra nơi quy định và kiên quyết không xả rác bừa bãi.
Chúng tôi cũng sẽ thành lập các tổ nhóm phụ nữ để thu gom rác thải, hình thành các đoạn đường do phụ nữ và do các đoàn thể tự quản, để bảo đảm đường phố xanh, sạch đẹp.
Mô hình làm bánh đa của hội viên phụ nữ phường Hà Khánh, TP Hạ Long |
Về vấn đề ATTP, trong gia đình, phụ nữ là đối tượng vừa là tác nhân, vừa là chủ thể trong sản xuất, trong quá trình chế biến và quá trình tiêu thụ. Ngoài xã hội, gần 49% dân số là phụ nữ, lĩnh vực nào phụ nữ cũng phải tham gia, đặc biệt là vấn đề sản xuất kinh doanh về dịch vụ. Cái gốc của vấn đề ATTP là trách nhiệm của rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều ngành, nhưng với phụ nữ, chúng tôi xác định phụ nữ là người sản xuất, thì phải gắn trách nhiệm về ATTP của phụ nữ với các mô hình sản xuất - đây là gốc của ATTP.
Theo đó, phụ nữ tham gia vào mô hình sản xuất từ các địa phương, mô hình sản xuất trồng rau, chăn nuôi sạch, thì phụ nữ phải có trách nhiệm từ đầu, không thể để thiếu trách nhiệm trong khâu này, không thể để sản phẩm nhà mình ăn thì sản xuất sạch và để riêng, còn những sản phẩm đưa ra thị trường thì làm bẩn và chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không hề quan tâm đến sức khỏe cộng đồng.
Vì vậy, trong nhiệm kỳ mới này, chúng tôi sẽ quan tâm đến vấn đề giáo dục cho chị em phải có tính tự trọng trong các khâu bảo đảm ATTP, sản xuất phải bảo đảm lợi ích cộng đồng, vì sức khỏe cộng đồng, chứ không chỉ vì lợi ích riêng cho mình.
Trân trọng cảm ơn Bà, chúc Đại hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh thành công tốt đẹp!