Phụ nữ đang tác động thế nào đến tương lai nền kinh tế Trung Quốc?
10.000 Nhân dân tệ (khoảng 36 triệu đồng) là số tiền hàng tháng mà cô Lucy Nan tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc sẵn sàng trả để thuê nhà cho thú vui lớn nhất của mình đó là sưu tầm tranh và đồ cổ. Bộ sưu tập của Lucy Nan trải dài từ gốm sứ châu Âu đến đồ sơn mài Nhật Bản đã và đang tiêu tốn phần lớn thu nhập hàng tháng của cô. Trả lời phỏng vấn của tờ South China Morning Post, cô nói: “Phải nói rằng tôi khá "ích kỷ" trong cuộc sống hàng ngày và chi tiêu… Tôi sẵn sàng trả 2.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 7 triệu đồng) cho một bữa ăn ngon tại nhà hàng”.
Là một người phụ nữ độc thân 49 tuổi, Lucy Nan là một trong số đông phụ nữ tại Trung Quốc với trình độ học vấn và khả năng tài chính cao, đang lựa chọn “đầu tư” vào hạnh phúc của mình. Chính hoạt động mua sắm của những người như cô Lucy Nan đang góp phần tạo nên một nền kinh tế mới cho phụ nữ Trung Quốc, hay còn gọi là “she-conomy”.
Chi tiêu tiêu dùng của phụ nữ đang đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Nguồn ảnh: South China Morning Post |
Được biết, Trung Quốc có thị trường tiêu dùng lớn thứ 3 toàn cầu, ước tính bằng xấp xỉ thị trường các nước Anh, Pháp và Đức cộng lại. Theo khảo sát năm 2022 của sàn thương mại hàng đầu Trung Quốc JD.com, tăng trưởng tiêu dùng của nữ giới trưởng thành tại Trung Quốc cao hơn nam giới nước này là 5,51%. Theo nghiên cứu của công ty Sekkei Digital, phụ nữ Trung Quốc chiếm 58% thị trường tiêu dùng nội địa, 70% quyết định tài chính trong một gia đình tại Trung Quốc được quyết định bởi phụ nữ.
Trả lời South China Morning Post, ông Keiyou Wang, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Mintel Trung Quốc, nhận xét: “Ảnh hưởng của người tiêu dùng nữ giới đối với tổng mức tiêu dùng của Trung Quốc không chỉ nằm ở sức mua lớn, mà còn ở tiếng nói ngày càng quan trọng và khả năng chi tiêu bền bỉ của họ”. Nói thêm, bà Shen Jiake, một nhà văn nổi tiếng tại Trung Quốc cho rằng so với nam giới, mức tiêu dùng những mặt hàng “không thiết yếu” của phụ nữ, đặc biệt là các hàng hóa và dịch vụ trong các ngày lễ lớn, đang tiếp thêm "sức sống" cho thị trường nước này.
Bên cạnh sở thích về quần áo và trang điểm, phụ nữ Trung Quốc ngày càng dấn chân vào những ngành hàng mà trước đây nam giới “thống trị”, bao gồm ô tô và cả trò chơi điện tử. Trích dẫn báo cáo gần đây của Công ty Mintel, người tiêu dùng nữ thậm chí còn có ngân sách cao hơn nam giới và quan tâm nhiều hơn đến tích hợp công nghệ khi chọn lựa xe ô tô của mình.
Thực tế, nền kinh tế cho phụ nữ ở Trung Quốc đang phát triển trong bối cảnh xu hướng tương tự ở đang xảy ra toàn cầu, khi ngày càng có nhiều phụ nữ đang có được vị thế và khả năng tài chính trong xã hội, theo báo cáo của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Cũng trong báo cáo này, ngân hàng đã nhận xét: “Vào năm 2023, chúng tôi chứng kiến sự tác động và đóng góp ngày càng lớn của phụ nữ vào nền kinh tế toàn cầu - thúc đẩy tỷ trọng tăng trưởng kinh tế lớn hơn bao giờ hết”.
Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, Trung Quốc vẫn cần ổn định nền kinh tế trong thời gian tới để tận dụng tối đa lợi thế của người tiêu dùng nữ, khi nước này đang dịch chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư sang dựa vào tiêu dùng. Ông Xiao Lisheng, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng người tiêu dùng sẽ cần tăng thu nhập ổn định và cải thiện thị trường việc làm để cảm thấy thoải mái hơn khi chi tiêu. “Tôi nghĩ vẫn sẽ mất thêm thời gian để tiềm năng chi tiêu của phụ nữ có thể giải phóng” - ông nhận xét.
Được biết, Trung Quốc đã báo cáo tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5,2% vào năm ngoái, và Chính phủ nước này đang đặt mục tiêu duy trì tốc độ khoảng 5% trong năm nay. Doanh thu từ các mặt hàng tiêu dùng đã đóng góp 82,5% vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2023 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay do nhu cầu bị dồn nén sau khi Trung Quốc mở cửa sau đại dịch.