Phong trào thi đua yêu nước ngành Công Thương trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tặng Cờ thi đua cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua |
Chúng ta rất đỗi tự hào về những chiến công hiển hách, những thành tích lớn lao của các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ thi đua và lớp lớp đồng bào chiến sĩ cả nước đã cống hiến quên mình trong các phong trào thi đua yêu nước góp phần làm rạng rỡ non sông đất nước ta.
Phát huy truyền thống “Thi đua ái quốc” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21 tháng 5 năm 2004 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến”; Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”; Chỉ thị số 725/2011/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Bộ Công Thương đã chủ động ban hành các văn bản pháp luật về công tác thi đua khen thưởng, xuất phát từ thực tiễn trong ngành Công Thương, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo sát sao việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước, coi đó là động lực quan trọng thúc đẩy việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ.
Sau khi Chỉ thị số 39-CT/TW, Chỉ thị số 34-CT/TW và các văn bản pháp luật về công tác thi đua khen thưởng được ban hành và triển khai thực hiện, Bộ Công Thương đã kiện toàn Hội đồng Thi đua- Khen thưởng, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, đồng thời xây dựng quy chế làm việc chặt chẽ, kết hợp với việc đầu tư cơ sở vật chất, con người nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.
Những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và thiên tai, dịch bệnh trong nước, song ngành Công Thương vẫn duy trì phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng khá cao. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2011-2015 ước đạt 11,6%/năm. Các thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng tới trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ bình quân 18%/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 là 150,2 tỷ USD, tăng gần 2,1 lần so với 72,2 tỷ USD năm 2010.
Về hội nhập quốc tế, ngành Công Thương đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước các định hướng, chính sách và lộ trình hội nhập quốc tế hợp lý, tích cực chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tham gia các tổ chức quốc tế và ký kết các Hiệp định hợp tác đa phương và song phương trong lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và thương mại.
Trong quá trình triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành động như: Phân định rõ công tác quản lý nhà nước với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là tăng cường sự chỉ đạo của Bộ để nâng cao hiệu quả trong xây dựng các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và các giải pháp lớn để phát triển các ngành năng lượng, khai thác chế biến khoáng sản, công nghiệp mũi nhọn, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, ổn định và phát triển thị trường trong nước… Làm tốt công tác đổi mới và sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ gắn với công tác cổ phần hóa và tổng kết việc thí điểm mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước nhằm từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Công tác xây dựng thể chế ngày càng hoàn thiện. Bộ đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, pháp lệnh quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước.
Công tác cải cách hành chính đã được đặc biệt quan tâm. Ngoài việc chú trọng cải cách về thể chế, Bộ đã tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp và đã được cộng đồng doanh nghiệp và địa phương đồng tình ủng hộ; tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương; đồng thời xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, từng bước tiêu chuẩn hóa theo ISO gắn với hiện đại hóa công sở… giúp các đơn vị nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.
Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ được đầu tư đúng mức. Đội ngũ trí thức trong ngành Công Thương đã lao động sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Nhiều đề tài được ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, phát huy nội lực và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được sản xuất trong nước. Nhiều tập thể và cá nhân đã giành được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Kovalepxkaia, giải thưởng ViFotec…
Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng. Bộ đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo của các trường trong ngành. Đội ngũ giáo viên, giảng viên trong hệ thống hơn 50 trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề được tăng cường cả về chất lượng và số lượng. Số lượng học sinh, sinh viên ngày một tăng, chất lượng đào tạo có nhiều tiến bộ, nhiều kỹ sư, công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề được các doanh nghiệp trong và ngoài ngành tuyển dụng đáp ứng yêu cầu về lao động của ngành và đất nước.
Để có những kết quả trên phải kể đến các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong toàn ngành Công Thương. Các phong trào thi đua đã có nhiều thay đổi về chất với nhiều nội dung phong phú, không hình thức phô trương, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm tiêu chí hàng đầu, gắn liền với nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị tiêu biểu như: Phong trào thi đua tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai, tổ chức trong toàn Ngành; Phong trào “Rèn luyện tay nghề thành thợ giỏi, chuyền may giỏi” trong ngành Dệt May Việt Nam; Phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng”; Phong trào thi đua “Xây dựng đường dây và trạm kiểu mẫu” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Phong trào thi đua “Việc hôm nay không để ngày mai”; Phong trào thi đua “Thi đua thực hành tiết kiệm chống lãng phí, không có ngày, giờ lao động mất an toàn” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Phong trào thi đua “An toàn- Đổi mới- Tăng trưởng- Hiệu quả” của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam; Phong trào thi đua “Xây dựng cửa hàng văn minh kiểu mẫu” với khẩu hiệu “Trách nhiệm- Tri thức- Văn minh” của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Phong trào thi đua “Đoàn kết, đồng thuận- Đột phá thành công- Vì người tiêu dùng- Vươn tầm quốc tế” của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; Phong trào thi đua “Trồng rừng năng suất cao và phát triển kinh tế hộ gia đình” của Tổng công ty Giấy Việt Nam; Phong trào phát huy sáng kiến tiết kiệm trong các doanh nghiệp; Phong trào “Dạy tốt, học tốt” trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và Đào tạo nghề... Một số đơn vị còn tổ chức các phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm đạt hiệu quả cao, trong đó điển hình là phong trào thi đua liên kết xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La về trước tiến độ 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội. Đặc biệt là Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tổ chức thực hiện hiệu quả dưới nhiều hình thức khác nhau. Sau hơn 5 năm triển khai, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến hàng nội đã tăng từ 23% lên 71%.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành, các cơ quan Trung ương và địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại là các Bộ tiền nhiệm của Bộ Công Thương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, các ngành Điện, Than, Dầu khí, Dệt May cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Than Việt Nam nay là Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn và nhiều doanh nghiệp, trường đào tạo… được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng nhiều danh hiệuvinh dự nhà nước và phần thưởng cao quý.
Công tác tổ chức phát động các phong trào thi đua trong thời gian qua đạt được những thành tích rất đáng trân trọng, tuy nhiên đôi lúc có phần chậm đổi mới, chưa theo kịp các chuyển biến trong xã hội. Những gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt xuất hiện ngày càng đông đảo, đa dạng tiêu biểu cho truyền thống yêu nước và sức sống của Ngành nhưng việc tuyên truyền nhân điển hình còn hạn chế. Mặt khác, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận đời sống xã hội hiện nay vẫn còn có những hiện tượng tiêu cực, trì trệ, trong bộ máy quản lý còn quan liêu xa rời thực tế. Cùng với việc nêu gương và phát hiện những nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước, phải đấu tranh đẩy lùi, đi tới loại trừ những tệ nạn trong xã hội. Trong hai mặt đó, mặt quan trọng và chủ yếu là phát hiện, tổng kết, biểu dương những nhân tố mới, con người, từ đó tạo sức đề kháng chống cái xấu, đẩy lùi những biểu hiện lạc hậu, tiêu cực.
Để đạt được các mục tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành Công Thương, Bộ Công Thương cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong đó phải tổ chức tốt phong trào thi đua của quần chúng theo phương hướng và nhiệm vụ sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW, Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu của cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, đảm bảo thiết thực hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan không thực chất.
2. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động trong ngành.
3. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng: Tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, không hình thức.
4. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời.
Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức các phong trào thi đua.
5. Thực hiện đổi mới công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất - kinh doanh. Chủ động khen thưởng, đề xuất cấp trên khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp lớn cho ngành Công Thương Việt Nam.
6. Kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng tổ chức gọn, nhẹ, hiệu quả, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao vai trò của Hội đồng Thi đua- Khen thưởng các cấp theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Phát huy những thành tích đạt được trong thời gian qua, ngành Công Thương Việt Nam quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 2011-2015 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Quốc hội khóa XIII đã giao cho, đảm bảo cho phong trào thi đua luôn được tổ chức, thực hiện rộng khắp, liên tục và có hiệu quả cao. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phát hiện và xây dựng các điển hình tiên tiến, tổ chức thi đua với các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong đơn vị cơ sở, trong ngành hàng và trong toàn ngành Công Thương. Tôn vinh người tốt việc tốt, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các phong trào thi đua.
Trên cơ sở phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua, ngành Công Thương Việt Nam đang tập trung thực hiện tốt những định hướng nhiệm vụ đã được đề ra cho năm 2015 và những năm tiếp theo để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Những phong trào thi đua điển hình của ngành Công Thương - Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào thi đua “Lao động sáng tạo - Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả” - “Xây dựng đường dây và trạm kiểu mẫu”; “Năng suất Hiệu quả” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, thân thiện với môi trường và trách nhiệm xã hội” của Tập đoàn Dệt may Việt Nam - “Việc hôm nay không để ngày mai”; “Thi đua thực hành tiết kiệm chống lãng phí, không có ngày, giờ lao động mất an toàn” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - “An toàn - Đổi mới - Tăng trưởng - Hiệu quả” của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - “Đoàn kết, đồng thuận - Đột phá thành công - Vì người tiêu dùng - Vươn tầm quốc tế” của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - “Trồng rừng năng suất cao và phát triển kinh tế hộ gia đình” của Tổng công ty Giấy Việt Nam - “Xây dựng cửa hàng văn minh kiểu mẫu” với khẩu hiệu “Trách nhiệm - Tri thức - Văn minh” của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được tổ chức ở hầu hết các doanh nghiệp trong Ngành Công Thương… |