Phối hợp điều hành, thị trường hàng hóa duy trì ổn định
Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, tháng 2, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Do đó, nhìn chung, hầu hết hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong tháng 2 có biến động tăng giảm đan xen, tác động đến giá cả hàng hóa ở thị trường trong nước.
Thị trường hàng hóa ổn định trong tháng Tết |
Tại thị trường trong nước, tháng 2, thị trường chủ yếu tập trung cho công tác phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán và lễ hội sau Tết. Hoạt động mua bán các mặt hàng phục vụ Tết diễn ra khá sôi động, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường và 10 - 12% so với Tết năm 2018. Nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm đã làm giảm áp lực tăng giá. “Nhìn chung, nhờ chuẩn bị tốt nguồn cung và thực hiện các giải pháp bình ổn từ sớm, thị trường Tết năm nay được đánh giá là ổn định, nguồn cung dồi dào, giá cả bình ổn, không có tình trạng thiếu hàng sốt giá” - ông Trần Duy Đông cho hay.
Giá xăng dầu - một trong những mặt hàng có tác động khá lớn đến CPI cũng được sử dụng các công cụ điều hành để giữ ổn định trong nhiều kỳ điều hành gần đây, giúp ổn định giá cả hàng hóa, đặc biệt trong dịp Tết.
Trước tình hình đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 390.821 ty đồng, giảm 3,56% so với tháng 1 và giảm nhiều ở các nhóm hàng. Việc giảm quy mô tổng mức bán lẻ tháng 2 là do hoạt động mua sắm của người dân trong nửa cuối tháng 1 tăng khá mạnh và chỉ kéo dài đến 5 ngày đầu tháng 2. Nửa cuối tháng 2, nhu cầu hàng hóa giảm cùng với thời kỳ ước tính của tháng 2 chỉ có 28 ngày nên tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm so với tháng 1. Tính chung tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm đạt 796.064 tỷ đồng, tăng 11,93% so với cùng kỳ năm trước.
Với những nỗ lực lớn trong công tác điều hành, theo con số của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng 1/2019, trong đó CPI của 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 2/2019 tăng so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2019 tăng 2,6% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Tháng 2/2019, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,73%. Trong đó, lương thực tăng 0,53%, thực phẩm tăng 2,13%, góp phần làm CPI chung tăng 0,48%. Tiếp đó là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69%, chủ yếu do giá gas tăng 3,51%, làm CPI chung tăng 0,04% và giá điện sinh hoạt tăng 0,69%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,66%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%...
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 2/2019 tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 2/2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm. Lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ ở mức 1,82% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.
Tiếp tục phối hợp đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa
Theo bà Đồng Ánh Ngọc - Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), trong thời gian tới, nhiều mặt hàng, nhóm hàng như nông sản, năng lượng vẫn đang trong xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ. Một số mặt hàng Nhà nước quản lý dự báo sẽ được điều chỉnh tăng, sẽ tác động đến mặt bằng giá hàng hóa khác trên thị trường. Cần sự phối hợp tốt trong công tác điều hành của các Bộ, ngành, cũng như công tác truyền thông để đảm bảo không có hiện tượng tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát.
Góp phần ổn định thị trường hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội, Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị. Đối với mặt hàng thực lợn, hiện dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại nước ta nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi đến người dân nhằm tránh gây hoang mang, song song với việc cung cấp các thông tin giúp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường.
Các Bộ, ngành địa phương tiếp tục cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.