Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đánh giá thực chất tình hình bất động sản các địa phương
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản diễn ra vào sáng 24/10.
Đã có 5.236 khách hàng được cấp tín dụng theo gói 120 nghìn tỷ
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong những tháng đầu năm 2024, nguồn cung của thị trường bất động sản mặc dù có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn khá hạn chế. Cơ cấu sản phẩm nhà ở phần lớn tập trung về phân khúc nhà ở trung-cao cấp, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần, thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Trong quý III/2024, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn... Nguồn cung bất động sản, nhà ở để đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh còn thiếu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu thành lập đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về chính sách nhà ở, nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm. (Ảnh: VGP/Minh Khôi) |
Tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, rồi có thể "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời...
Về nhà ở xã hội, đến nay các địa phương đã quy hoạch 9.757 ha đất làm nhà ở xã hội, có 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 565.177 căn (hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án với quy mô 111.687 căn; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 411.076 căn).
Tuy nhiên, mới có 83 dự án tại 63 tỉnh, thành phố đủ điều kiện vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, 15 dự án được cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và có 6 dự án đang được thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.
Người mua nhà tại 32/83 dự án nhà ở xã hội đã được vay vốn theo chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng dư nợ là 2.099 tỷ đồng với 5.236 khách hàng, trong đó dư nợ phát sinh chủ yếu tại Ngân hàng Chính sách xã hội (2.019 tỷ đồng) do lãi suất cho vay ưu đãi hơn.
Cơ chế, chính sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn. Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ ngân sách còn hạn chế. Thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp, nhất là việc xác nhận các giấy tờ chứng minh về điều kiện nhà ở, thu nhập và cư trú.
Hoàn thiện chương trình nhà ở cho người có công
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo đã tham gia nhiều ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, và tạo bước tiến rất lớn trong triển khai chính sách nhà ở, đặc biệt là thể chế hoá trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…
Thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp. |
Phó Thủ tướng đề nghị trước mắt, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thiện đề án, chương trình nhà ở cho người có công cần sửa chữa hoặc xây mới, bố trí phân bổ kinh phí để thực hiện trong năm 2025. "Đối tượng người có công phải được quan tâm, ưu tiên khi điều tiết thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở mục tiêu", Phó Thủ tướng nói.
Bộ Xây dựng đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật liên quan đến chính sách nhà ở, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở mục tiêu tại một số địa phương trọng điểm, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh…
"Trong đó cần đánh giá thực chất tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương, nơi nào thiếu nhưng không làm, nơi nào thừa mà không bán được, cũng như trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong dự báo cung cầu, điều tiết cơ cấu các phân khúc sản phẩm bất động sản", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng rà soát hồ sơ, thủ tục hành chính của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đồng thời các thủ tục trong một bộ hồ sơ duy nhất để giảm thời gian, chi phí.
Theo Phó Thủ tướng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến cung cầu thị trường bất động sản là vướng mắc từ các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, bản án. Vì vậy, các địa phương phải khẩn trương rà soát toàn bộ, phân loại và đề xuất nhóm giải pháp xử lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Trung ương, của địa phương.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thống kê, báo cáo tình hình tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, đánh giá tác động đối với nền kinh tế, đề xuất những quyết sách, biện pháp mới, đủ mạnh, mấu chốt để khơi thông thị trường bất động sản.