Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh
Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) được tổ chức vào ngày 23/8 tại Hà Nội bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD). VCSF năm 2023 có chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”.
Tháng 9/2023 tới đây, Hội nghị thượng đỉnh các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc sẽ diễn ra tại New York (Mỹ), để rà soát lại một nửa chặng đường đã qua trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đồng thời vạch ra kế hoạch tăng tốc hành động hướng tới 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Phó Thủ tướng tặng hoa chúc mừng cho đại diện lãnh đạo VCCI, VBCSD và các đối tác đã có nhiều đóng góp cho sự thành công của VCSF trong 10 năm qua |
Tại cột mốc này, có thể thấy thế giới vẫn đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bệnh dịch, suy giảm kinh tế toàn cầu, bất ổn địa chính trị… Trong đó, sự suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu tạo ra những sức ép nặng nề hơn cả cho nhân loại.
Điều đó cũng có nghĩa giải được bài toán môi trường, biến đổi khí hậu sẽ đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo tương lai bền vững. Từ góc độ này, các mô hình kinh doanh "vị" tự nhiên - kinh doanh tạo tác động tích cực đến môi trường là một trong những giải pháp tối ưu nhất cho mục tiêu phát triển bền vững doanh nghiệp, qua đó đóng góp vào sự thịnh vượng, phồn vinh của mỗi quốc gia, dân tộc. Đây cũng chính là thông điệp được được trình bày và thảo luận tại Diễn đàn VCSF truyền tải xuyên suốt qua những chủ đề của năm 2023.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn |
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhấn mạnh: "Phát triển bền vững phải gắn với phát triển bao trùm trên cả 3 trụ cột: Phát triển bền vững kinh tế, Phát triển bền vững xã hội, văn hoá và con người, Phát triển bền vững môi trường. Tất cả doanh nghiệp, dù ở quy mô nào, trong lĩnh vực nào cũng đều có cơ hội, vị thế, tiềm năng và hứa hẹn có nhiều đóng góp trong Cuộc đua xanh toàn cầu phát triển bền vững hiện nay. Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) của VBCSD-VCCI đã, đang được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp".
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh. Quá trình chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng, trong quá trình phát triển, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hành các giải pháp phát triển bền vững. Các hành động và chính sách tích cực với tự nhiên sẽ được tiếp tục lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, chính sách đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tại Diễn đàn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng đã khẳng định: Phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam xác định trong những năm qua và đặc biệt nhấn mạnh, làm rõ cho giai đoạn tới. Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam đã xác định chủ trương “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cácbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế”.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Diễn đàn |
"Trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, Việt Nam đều đã có chủ trương, định hướng về thúc đẩy quá trình chuyển dịch để hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Điển hình như trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó Nghị quyết đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp rất cụ thể để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam theo hướng ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch" - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong thực hiện phát triển xanh, doanh nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thể quyết định mức phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp vừa là chủ thể vừa là tác nhân tác động tới biến đổi khí hậu. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chụp ảnh cùng các thành viên Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam. (Ảnh: Thu Hường) |
Cũng tại Phiên toàn thể của Diễn đàn, các đại biểu đã được chia sẻ nhiều thông tin - cập nhật từ đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung liên quan đến “Định hướng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh”, “Hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh - giai đoạn 2021-2030: Thách thức và cơ hội”, “Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Các công cụ chính sách hiện nay, khoảng cách giữa Việt Nam - thế giới và khuyến nghị cho doanh nghiệp”.
Từ phía các cơ quan, tổ chức, đối tác quốc tế, đại diện Ngân hàng Thế giới, Nước Cộng hòa Seychelles cũng mang đến Diễn đàn những phân tích cập nhật, thông lệ quốc tế tốt cùng các khuyến nghị hữu ích nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển mô hình kinh tế biển xanh để tối ưu hóa tăng trưởng kinh tế đi kèm với bảo vệ tài nguyên biển....
Chương trình Diễn đàn VCSF 2023 cũng bao hàm nhiều nội dung đa dạng từ các tọa đàm trong khuôn khổ phiên toàn thể và phiên chuyên đề với các chủ điểm về “Thúc đẩy các sáng kiến “vị” tự nhiên hướng tới nền kinh tế các-bon thấp”, “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua xây dựng chuỗi cung ứng xanh” và “Hướng tới kinh doanh “vị” tự nhiên và tăng trưởng xanh từ nền tảng thực hành ESG trong doanh nghiệp”. Với sự tham gia đông đảo của các diễn giả đến từ các doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh doanh bền vững tại Việt Nam, chuỗi tọa đàm đã lan tỏa các thông lệ tốt, đưa ra các giải pháp, kiến nghị chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả hơn các mô hình sản xuất kinh doanh phát thải thấp; tăng cường chuỗi cung ứng bền vững; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch; nâng cao hiệu quả thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững và thực hành khung ESG; cũng như khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Các kiến nghị đó sẽ được VBCSD-VCCI tập hợp và báo cáo lên Chính phủ, làm đầu vào cho việc hoạch định các chính sách mới tạo thuận lợi cho phát triển bền vững của doanh nghiệp. |