Thứ hai 18/11/2024 12:25

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Đề xuất độ tuổi hành nghề của công chứng viên đến 70 tuổi

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi.

Nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên

Chiều 17/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

So với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung như sau: Xác định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, trong trường hợp công chứng viên chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.

Bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung như sau: Quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo), theo đó những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của Luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng; bổ sung một số đối tượng được tham dự khoá đào tạo nghề công chứng 6 tháng như chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp…

Quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng để đảm bảo sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn; người tập sự phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng; bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự để bảo đảm người được bổ nhiệm công chứng viên có kiến thức, kỹ năng cập nhật.

"Quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi, đồng thời dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm để bảo đảm quá trình chuyển giao hoạt động của những công chứng viên này" - ông Lê Thành Long cho hay.

Bên cạnh đó, sửa đổi một số quy định nhằm thực hiện chủ trương, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh: Giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại giấy tờ.

Bổ sung một số trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên, trường hợp bị miễn nhiệm công chứng viên, trường hợp được và không được bổ nhiệm lại công chứng viên cũng như điều kiện bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm những người đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn công chứng viên mới được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại.

Bổ sung 4 điều mới quy định về công chứng điện tử

Với mục tiêu phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung như sau: Quy định Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng Phòng công chứng thay vì giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) bổ nhiệm như hiện nay; quy định Sở Tư pháp là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay để tăng cường phân cấp, phân quyền.

Quy định không bắt buộc tên gọi của Văn phòng công chứng phải được đặt theo họ tên của một trong số các công chứng viên hợp danh như hiện nay nhằm giúp các Văn phòng công chứng giữ được tên gọi ổn định, tiết kiệm chi phí phát sinh do không phải thường xuyên thay đổi tên gọi…

Quy định rõ nghĩa vụ góp vốn của các công chứng viên hợp danh khi tham gia thành lập mới Văn phòng công chứng cũng như khi hợp danh vào Văn phòng công chứng có sẵn để bảo đảm công chứng viên hợp danh phải thực sự là người góp vốn vào Văn phòng công chứng, là người sở hữu Văn phòng công chứng…

Quy định rõ 3 trường hợp tạm ngừng, thời hạn tạm ngừng, trách nhiệm của Sở Tư pháp và nghĩa vụ của Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động; bổ sung một số trường hợp thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng; quy định Văn phòng công chứng chỉ được thay đổi địa chỉ trụ sở trong phạm vi địa bàn cấp huyện nơi đặt trụ sở nhằm bảo đảm sự ổn định và phân bố hợp lý các Văn phòng công chứng.

Với mục tiêu xây dựng quy trình công chứng khoa học, tạo cơ sở pháp lý để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung như sau: Bỏ Phiếu yêu cầu công chứng trong thành phần hồ sơ yêu cầu công chứng nhằm đơn giản hóa hồ sơ này; cho phép xuất trình bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực nếu không có bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng trong một số trường hợp cụ thể; quy định rõ các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở; quy định chi tiết hơn về lời chứng nhằm làm rõ hơn trách nhiệm của công chứng viên đối với việc công chứng...

Đối với thủ tục công chứng một số giao dịch cụ thể, dự thảo Luật đã quy định rõ nguyên tắc tuân thủ trình tự, thủ tục chung, đồng thời phải thực hiện thêm một số quy định đặc thù tương ứng đối với từng loại giao dịch, như việc công chứng hợp đồng ủy quyền trong trường hợp hai bên không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng, việc công chứng văn bản phân chia di sản, từ chối nhận di sản...

Đáng chú ý, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều mới để quy định về công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể, đồng thời, cũng quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy; quy định về quy trình công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng, là cơ sở để Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Các tập đoàn hàng không vũ trụ, thực phẩm... Brazil muốn mở rộng hợp tác toàn diện với Việt Nam

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với tỉnh Cà Mau

Việt Nam cùng ASEAN đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi (Cà Mau)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải phát huy ngoại giao cao hơn, rộng hơn thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Brazil

Chủ tịch nước Lương Cường kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản

Chủ tịch nước Lương Cường tham dự và phát biểu tại APEC lần thứ 31

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau

Chủ tịch nước Lương Cường gặp lãnh đạo các nền kinh tế nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp bộ máy Chính phủ tinh gọn, hiệu quả

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cà Mau

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam

Chủ tịch nước Lương Cường gặp lãnh đạo Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominica

Chủ tịch nước tham dự Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC và khách mời

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024'

Thủ tướng phân công 4 Phó Thủ tướng theo dõi, giải quyết kiến nghị của Quảng Trị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu

Quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn bao lâu?