Sản xuất, kinh doanh phân bón là một trong bốn nhóm ngành chính của Vinachem.
CôngThương - Theo Quyết định này, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vẫn được duy trì là Tập đoàn kinh tế nhà nước. Tập đoàn có 4 nhóm ngành, nghề kinh doanh chính và 2 nhóm ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính.
Bốn nhóm ngành, nghề kinh doanh chính gồm: sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hoá chất; công nghiệp chế biến cao su; sản xuất và kinh doanh hoá chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hoá dược.
Hai nhóm ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính là tư vấn thiết kế công nghiệp hóa chất; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị hoá chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành hóa chất.
Theo đó, từ nay đến 2015, Tập đoàn sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 2 doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hoá, Tập đoàn nắm giữ từ 65% đến 75% vốn điều lệ tại 5 doanh nghiệp. Trước mắt, giữ nguyên tỷ lệ vốn điều lệ nhà nước đang nắm giữ đối với 5 công ty đã cổ phần hóa: Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Phân bón miền Nam; Phân bón Bình Điền; Phân lân nung chảy Văn Điển; Hóa chất Việt Trì.
Tập đoàn nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 13 doanh nghiệp, đồng thời nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ đối với 10 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước Tập đoàn nắm giữ tại 13 doanh nghiệp khác.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này; định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời xử lý những vướng mắc nảy sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.