Phát triển thương mại biên giới: Sẵn sàng tạo đột phá
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng tạo điều kiện cho thương mại biên giới phát triển |
Đầu tư hạ tầng thương mại
Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK - Bộ Công Thương), thời gian qua, các tỉnh biên giới đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại tại các khu vực cửa khẩu biên giới. Các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ đều được mở và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế - thương mại qua biên giới. Đồng thời, các tỉnh cũng chú trọng phát triển dịch vụ tại khu vực cửa khẩu như: Vận tải, kho bãi, trung chuyển hàng hóa, tài chính, ngân hàng, tư vấn... Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông từ các trung tâm kinh tế đến khu vực cửa khẩu; các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ liên thông phục vụ thông thương hàng hóa qua cửa khẩu đã được xây dựng, nâng cấp, mở rộng.
Ông Đỗ Trường Giang - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai - cho biết, sau khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác (tháng 9/2014), tỉnh đã tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tại khu vực cửa khẩu quốc tế, đã tập trung hoàn thiện khối nhà liên ngành phục vụ hoạt động XNK với diện tích 6.000 m2 và hệ thống bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa với diện tích gần 20 ha. Còn tại Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh - cho biết, tỉnh này đang tích cực hoàn thiện kết cấu hạ tầng tạo điều kiện cho việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Cụ thể, phấn đấu hết tháng 7/2018 thông tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Trong quý III/2018, sẽ khởi công Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và hoàn thành công trình vào cuối năm 2020. Sân bay quốc tế Vân Đồn với chiều dài đường băng là 3.650 m cũng đang được gấp rút hoàn thành và dự kiến đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2018.
Tập trung cải cách hành chính
Thực hiện quy định của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới với tinh thần cải cách hành chính, xóa bỏ sự chồng chéo, phân rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành trung ương và các cơ quan tại địa phương. Nghị định đã bãi bỏ thủ tục đăng ký thương nhân hoạt động thương mại biên giới và không còn quy định về Cơ quan Ban chỉ đạo thương mại biên giới, mà thực hiện theo đúng quy định và chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành trung ương.
Từ góc độ địa phương, bà Nguyễn Thị Hiền khẳng định, công tác cải cách hành chính tại tỉnh Quảng Ninh đang có chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã đơn giản hóa 80% thủ tục hành chính, vận hành có hiệu quả các trung tâm hành chính công từ xã, huyện lên đến tỉnh. Đặc biệt, năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Ninh đã vươn lên đứng đầu trong cả nước. Cũng theo Cục XNK, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, điều hành hoạt động thương mại biên giới theo hướng phát huy ưu thế đặc thù, linh hoạt và hiệu quả. Theo đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp. Đồng thời, có chính sách thanh toán hoạt động thương mại biên giới đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro theo hướng khuyến khích thanh toán qua ngân hàng và ưu đãi thanh toán bằng đồng tiền Việt Nam.
Thời gian qua, các địa phương đã chủ động triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách quản lý về hoạt động thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán hàng hóa qua biên giới, thu hút đầu tư tại các tỉnh biên giới. |