Phát triển nông nghiệp bền vững: Đòn bẩy từ ứng dụng khoa học và công nghệ
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại bước phát triển mới
Tại hội thảo, PGS, TS. Vũ Quang Vinh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, nông nghiệp, nông thôn là một địa bàn rộng lớn và là bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Trong những năm qua, nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Hội thảo do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đồng tổ chức |
Nêu dẫn chứng, PGS, TS. Vũ Quang Vinh cho hay, Đại hội lần thứ X (2006) của Đảng nhấn mạnh: “Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng”; “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn… giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân”.
Hay tại Đại hội XII của Đảng xác định: “Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu, rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp”.
Gần đây, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Điều này đã đem lại những thành công nhất định trong phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. “Năm 2020 là một năm thành công của ngành nông nghiệp với nhiều điểm sáng và đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng dương của nền kinh tế. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá với mức tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế” - PGS, TS. Vũ Quang Vinh nêu.
Tuy nhiên, PGS, TS. Vũ Quang Vinh cũng chỉ ra thực trạng, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế như: Trình độ khoa học và công nghệ còn hạn chế; công tác quy hoạch còn bất cập; một số chính sách đưa ra chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu đồng bộ, chậm được bổ sung và điều chỉnh cho kịp thời. “Trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nông nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần được quan tâm giải quyết” - PGS, TS. Vũ Quang Vinh nói.
Đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, PGS, TS. Vũ Quang Vinh cho rằng, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế càng sâu rộng cần đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển liên kết trong sản xuất nông nghiệp với các loại hình liên kết đa dạng, phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển khoa học - công nghệ cho nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng hoạt động khoa học - công nghệ phát triển nông nghiệp.
“Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chắc chắn sẽ đem lại cho nông nghiệp Việt Nam một bước phát triển mới, đột phá và vượt bậc. Với quyết tâm của Đảng và Nhà nước phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, chúng ta có thể tin tưởng rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển như mong đợi” - PGS, TS. Vũ Quang Vinh khẳng định.
Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp
Trình bày tham luận “Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam: hướng tới sự phát triển bền vững và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, PGS. TS. Phan Thế Công, Đại học Thương mại cho hay, phát triển kinh tế tế tuần hoàn chính là cơ hội lớn để đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một mô hình tối ưu hóa các nguồn lực: Quá trình sản xuất theo chu trình khép kín; chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.
Theo PGS, TS. Phan Thế Công, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung mỗi năm khối lượng nguồn thải ra từ chăn nuôi ra môi trường - khoảng 84,5 triệu tấn/năm, trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn,…) còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, là tình trạng lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, sử dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và các loại hóa chất bảo vệ thực vật khác; hiện tượng đốt phế phụ phẩm nông nghiệp trong trồng lúa, cà phê và ngô. “Theo Cục Trồng trọt, có tới 80% khối lượng rơm rạ, thân các loài cây lương thực bị đốt hoặc vứt bỏ ngoài đồng ruộng, riêng ở đồng bằng sông Cửu Long có 98% nông dân đốt rơm sau vụ đông xuân, 90% đốt sau mùa hè và 54% đốt sau mùa thu - đông” - PGS, TS. Phan Thế Công thông tin.
Cũng theo PGS, TS. Phan Thế Công, mô hình kinh tế tuần hoàn đã có mặt rất sớm ở Việt Nam, từ những năm 1980 thông qua mô hình kinh tế Vườn - Ao - Chuồng (VAC) hay các làng nghề tái chế chất thải và được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. Tiếp đó, là các mô hình “lúa, tôm” và “lúa, cá”; mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô - gia súc, gia cầm - cá; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Ferlitizer); mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại bò sữa…
Tuy nhiên, hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu; thiếu hướng dẫn và tiêu chuẩn hóa cho việc triển khai; số lượng các doanh nghiệp đủ năng lực về công nghệ tái chế, tái sử dụng các sản phẩm, vật liệu đã qua sử dụng còn hạn chế; thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp; nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân về nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ, công tác tuyên truyền phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp chưa được sâu, rộng.
Trước tình trạng đó, PGS, TS. Phan Thế Công kiến nghị với Nhà nước, tùy thuộc từng nhóm ngành, sản phẩm, nguyên vật liệu và quy mô sản xuất nông nghiệp mà có hành lang pháp lý cũng như những hướng dẫn, quy định chính sách, hướng dẫn phù hợp; nâng cao nhận thức, đúng đắn, đầy đủ vai trò của kinh tế tuần hoàn đối với sự phát triển ngắn hạn và trong dài hạn của doanh nghiệp, người dân, Nhà nước và toàn xã hội.
Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ chế hoạt động của hệ thống sản xuất theo hướng thúc đẩy sự hình thành chuỗi giá trị: cần phải được xem xét cả giai đoạn sau sử dụng, tức là xem xét cách tiếp cận các hoạt động kinh tế (sử dụng những tài nguyên có khả năng tái tạo…); thúc đẩy sự ứng dụng các tiến bộ công nghệ trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện, nhân rộng phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp, dựa vào đặc tính tự nhiên, văn hóa xã hội của mỗi vùng, miền và địa phương khác nhau.