Thứ sáu 22/11/2024 15:46

Phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Cần cơ chế ưu tiên cho lĩnh vực trọng điểm

Sáng 20/12, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Tìm những giải pháp mang tính đột phá

Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Năm 2019, trên cơ sở sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 về "Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”.

Toàn cảnh Hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"

Để đánh giá toàn diện kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Ban Bí thư đã chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ươngchủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Tỉnh ủy Nghệ An triển khai tổng kết Nghị quyết và xây dựng Báo cáo tổng kết trình Bộ Chính trị trong quý I/2023.

Hội thảo lần này có thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, phục vụ công tác tổng kết từ 3 giác độ: Các chuyên gia, nhà khoa học; tỉnh Nghệ An và các cơ quan quản lý.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết: Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt; tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế, nhất là mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW phát biểu mở đầu hội thảo

Nhấn mạnh, khát vọng đưa Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế vẫn luôn là mục tiêu trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà; đồng thời, qua thực tiễn gần 10 năm triển khai Nghị quyết số 26, Nghệ An rất mong muốn có một cơ chế và nguồn lực đủ mạnh, có tính đột phá cao để cộng hưởng với sự đoàn kết, nỗ lực trong toàn Đảng bộ và nhân dân, đưa tỉnh nhà tiến nhanh, tiến vượt trong giai đoạn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định: “Với tinh thần cầu thị, nghiêm túc và thẳng thắn, Nghệ An hy vọng và tin tưởng sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến quý báu từ hội thảo hôm nay để tham khảo trong quá trình triển khai công việc thực tế ở địa phương, đồng thời sẽ là những gợi ý quan trọng để hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 26, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định trong thời gian tới”.

Sáng 20/12, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những nhận định, đánh giá công phu, sâu sắc về hiện trạng của Nghệ An, nhất là sau 10 thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh đã đến lúc Nghệ An phải nhìn nhận lại, đánh giá thật khách quan tiềm năng, thế mạnh và năng lực thật sự của tỉnh, để xây dựng và hình thành một động năng phát triển mới, thực chất và thực tế trên bốn phương diện: Tư duy phát triển mới; Không gian phát triển mới; Nguồn lực phát triển mới; Lĩnh vực phát triển mới.

ÔngThái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết số 26 phát biểu chào mừng hội thảo

Để năng lực phát triển mới của Nghệ An được hình thành dựa trên một cấu trúc toàn diện, tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các quý vị, các nhà khoa học thảo luận, kiến nghị nhiều giải pháp mới về đẩy mạnh công tác đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Nghệ An.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu định hướng hội thảo

Trong hệ các giải pháp rất cần đề ra được những giải pháp mang tính đột phá về: Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh… Đặc biệt, điều rất quan trọng là cần quán triệt sâu sắc quan điểm: Sự lãnh đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh và sự đoàn kết, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển Nghệ An.

Sứ mệnh của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn mới

Nhấn mạnh sứ mệnh quốc gia của Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đối với tỉnh Nghệ An, PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần làm rõ, sâu hơn vai trò của các bên liên quan đối với việc thực hiện mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết, nhất là những chỉ tiêu chưa đạt được. Chú trọng hơn tính khả thi, tính thực tiễn của các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra; nghiên cứu kỹ hơn về khía cạnh thể chế, thời gian, nguồn lực, hoàn cảnh cụ thể, bối cảnh mới khi ban hành Nghị quyết mới.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề: “Sứ mệnh, trọng trách và các vấn đề đặt ra cho Nghệ An sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26".

PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cần phải có cơ chế, thể chế ưu tiên đối với các vùng trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh Nghệ An; ưu tiên các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược; phát triển thành phố Vinh về kinh tế - văn hoá xứng tầm của vùng Bắc Trung Bộ; phát triển vùng miền Tây Nghệ An theo một phương thức mới, gắn với chuỗi giá trị công nghệ cao; chiến lược phát triển doanh nghiệp xứng tầm; tăng cường phân cấp, phân quyền, giao quyền nhiều hơn cho tỉnh Nghệ An để thực hiện sứ mệnh quốc gia trong Nghị quyết mới.

Cùng với đó, để có thêm góc nhìn về phát triển các ngành công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An, TS Dương Đình Giám - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương đã có tham luận với chủ đề: “Các giải pháp nhằm phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Nghệ An”.

Trong đó, ông gợi mở một số định hướng cụ thể đối với các ngành công nghiệp truyền thống và các ngành công nghiệp mới. Cụ thể, đối với các ngành công nghiệp truyền thống cần phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ cao, chế biến tinh; đồng thời phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong những ngành chủ lực; phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là các loại vật liệu mới với kỹ thuật cao.

TS. Dương Đình Giám - Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương phát biểu tham luận

Đóng góp ý kiến về lĩnh vực đô thị, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích, nhấn mạnh vai trò của đô thị hóa như một động lực cho sự phát triển của tỉnh, trong đó đặc biệt là vai trò của đô thị Vinh mở rộng, TX Hoàng Mai, đô thị Thái Hòa và đô thị Đô Lương, Diễn Châu, Sơn Hải…

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính đồng thời nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết phải hình thành, nâng cấp của các cơ sở hạ tầng chiến lược về mặt kinh tế như: Đường cao tốc, cảng biển nước sâu, Cảng hàng không quốc tế; cũng như các cơ sở hạ tầng xã hội, đặc biệt cần có Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đặc biệt quan tâm tới vấn đề Thực trạng và kiến nghị một số giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân Nghệ An, TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp nghệ an nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng còn rất yếu trên tất cả các mặt(so với trung bình chung cả nước). Điều đáng nói thêm là, chưa thấy động lực nội tại và yếu tố bên ngoài hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nghê an phát triển cả về số lượng và chất lượng.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng gợi ý một số định hướng Nghệ an phải xây dựng và thi một chương trình phát triển doanh nghiệp. Phát triển doanh nghiệp phải đặt trong tổng thể chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển các ngành kinh tế có lợi thế và phát triển kinh tế các địa phương; Cải thiện mạnh mẽ, nhất quán môi trường kinh doanh; Cần có điều tra, nghiên cứu, xác định nguyên nhân của thực trạng tại sao tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới ở Nghệ An thấp, và giảm trong mấy năm gần đây; Nâng cao vai trò, tăng cường năng lực hiệp hội doanh nghiệp địa phương, liên minh hợp tác xã huyện, tỉnh; đồng thời, lôi kéo, hợp tác với các hiệp hội ngành hàng tương ứng trong hỗ trợ doanh nghiệp địa phương; Xây dựng và thực thi thái độ và văn hóa làm việc mới “cùng đồng hành”, “là đối tác” với doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong toàn hệ thống chính trị, nhất là các công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội thảo

Sau khi nghe các tham luận với các chủ đề đại diện cho các ngành, lĩnh vực cơ bản về phát triển bền vững tỉnh Nghệ An: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, văn hóa,... để có thêm những căn cứ khoa học và thực tiễn, có thêm nhiều góc nhìn hơn, tại hội thảo các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã cung cấp thêm các vấn đề mới, các vấn đề cần làm rõ, bổ sung để Hội thảo thảo luận tại hội trường; tập trung vào các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Nghệ An cần xác định rõ mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới là “dân phải giàu, tỉnh phải mạnh” thông qua các chỉ tiêu về GRDP bình quân đầu người, cân đối ngân sách, phát triển thành tỉnh công nghiệp.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh phải có những định hướng phù hợp phát triển cho từng vùng trong tỉnh Nghệ An: Biển, đồng bằng, miền núi; theo đó phải có các cơ sở hạ tầng phù hợp, nhất là phải có các cảng biển; cần phải có những định hướng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ toàn diện dựa trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy ở mức cao nhất giá trị văn hóa, bản sắc xứ Nghệ An, con người Nghệ An, làm sao cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, Nghị quyết mới của Bộ Chính trị sẽ tạo niềm tin, niềm phấn khởi không chỉ cho nhân dân Nghệ An mà cho cả đất nước ta trong thời kỳ mới.

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW phát biểu tổng kết hội thảo

Cũng tại hội thảo, các ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội và đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những trao đổi, phân tích và gợi mở thêm nhiều nội dung định hướng cho phát triển của Nghệ An trong thời gian tới; đặc biệt là bên cạnh khắc phục các điểm nghẽn về hạ tầng như cảng biển nước sâu, sân bay thì cần quan tâm đến hạ tầng công nghiệp và hạ tầng số…

Phát biểu kết luận hội thảo - ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW nhấn mạnh, các tham luận và nội dung trao đổi và trong kỷ yếu hội thảo rất sâu sắc, toàn diện; không chỉ dừng lại kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, mà còn tập trung làm rõ các ưu điểm, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm phát triển nhanh, bền vững tỉnh Nghệ An thời gian tới.

Trên cơ sở tổng kết 8 nội dung cơ bản đã trao đổi, thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự đánh giá cao, trân trọng các góp ý của các đại biểu tại hội thảo vì sự phát triển của tỉnh Nghệ An, đóng góp cho thành công của hội thảo, thành công của việc tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW; cũng ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng tỉnh Nghệ An.

Hoàng Trinh
Bài viết cùng chủ đề: Nghệ An

Tin cùng chuyên mục

Cẩn trọng với tình trạng kháng kháng sinh

Chiến thắng Bình Giã góp phần làm phá sản chiến lược ‘chiến tranh đặc biệt’

Từ năm 2024, bổ sung thêm 2 nhóm giải mới vào Giải Báo chí quốc gia

Phát động giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất

Nhân sự ngày 21/11: Công bố lí do kỷ luật cảnh cáo các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể

Dự báo thời tiết biển hôm nay 21/11/2024: Biển Đông có gió Đông Bắc hoạt động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/11/2024: Miền Trung có mưa lớn

Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương làm việc tại Hà Tĩnh về an toàn thực phẩm

Việt Nam đứng đầu các quốc gia ASEAN về số sinh viên theo học tại Hoa Kỳ

Đoàn công tác Bộ Công Thương dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Quảng Trị

Cục Phòng vệ thương mại khánh thành ‘Lớp học hạnh phúc’ tại Điện Biên

Tích hợp VNeID lên iHanoi - Điểm nhấn mới trong triển khai Đề án 06/CP

Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa quy định danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn

Hải quân Việt Nam – Thái Lan tuần tra chung lần thứ 50

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã

Vì sao đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng?

Quân khu 9 thực hành diễn tập bắn đạn thật

Khoảng 30 nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống

Khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Nạn đánh bắt chim trời diễn ra tràn lan ở Hà Tĩnh