Phố ẩm thực và câu chuyện phát triển kinh tế đêm Đà Nẵng: Khai trương chợ đêm An Thượng và phố thanh toán không dùng tiền mặt |
Tại Quảng Trị, thời gian qua, một số mô hình về kinh tế ban đêm trên địa bàn đã được hình thành. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế đêm quy mô còn nhỏ, chỉ mới tập trung vào các hoạt động dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, ăn uống, làm đẹp, hầu như chưa tạo được dấu ấn.
Kết cấu hạ tầng phát triển nhưng còn chậm, việc liên kết với các tỉnh lân cận còn hạn chế. Sản phẩm du lịch đêm ở Quảng Trị còn ít, chưa phát triển như mong muốn. Trong khi đó, Quảng Trị có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch để khai thác phát triển kinh tế ban đêm. Vì vậy, việc nghiên cứu và xây dựng Đề án là cần thiết.
Vừa qua, tại cuộc họp dự thảo Đề án "Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030", ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết thêm, phát triển kinh tế đêm phù hợp xu thế và định hướng phát triển của tỉnh. Chúng ta có tiềm năng phát triển kinh tế đêm, mang lại hình ảnh tích cực cho tỉnh nhà, tạo việc làm, đóng góp thêm ngân sách.
Chợ đêm Đông Hà- Quảng Trị (ảnh:CTV) |
"Việc phát triển kinh tế ban đêm là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu chung của xã hội. Quảng Trị là địa phương có nhiều tiềm năng, thuận lợi, thời gian qua, một số mô hình về kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh đã được hình thành và đem lại những tín hiệu tích cực"- ông Nam nói.
Tuy vậy, kinh tế đêm với Quảng Trị còn khá mới mẻ, hầu hết chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm, ẩm thực và đóng cửa trước 22 - 23h. Kinh tế đêm chưa được đầu tư bài bản và đồng bộ; chợ đêm, phố đi bộ hoạt động không thường xuyên và chưa tạo ra sản phẩm đủ sức hấp dẫn khách du lịch.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị, mục đích của Đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để hình thành các mô hình, sản phẩm độc đáo, khác biệt vào ban đêm; nâng cao chất lượng ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút khách du lịch đến tham quan và lưu trú dài ngày…
Theo dự thảo Đề án, trong giai đoạn 2023-2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7-7,5%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 11,7%/năm. Triển khai thí điểm 3-4 khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ.
Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 8-8,5%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 14,3%.
Đến năm 2030, thu hút trên 2 triệu lượt khách du lịch; trong đó có khoảng 50% lượt khách du lịch tham gia vào kinh tế ban đêm. Toàn tỉnh có các cơ sở lưu trú với 9.400 buồng phục vụ khách du lịch lưu trú qua đêm. Duy trì và mở rộng 4-5 khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, trình diễn văn hóa – nghệ thuật về đêm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến kinh phí triển khai thực hiện Đề án khoảng 14.796 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa; trong đó ngân sách nhà nước khoảng 101,4 tỉ đồng; vốn xã hội hóa khoảng 14.694,6 tỉ đồng.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, phát triển kinh tế ban đêm là vấn đề lớn có tầm quan trọng, tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế xã hội vì vậy cần có những giải pháp để triển khai một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng thống nhất với tên gọi của Đề án, tuy nhiên, cần phải nghiên cứu, điều chỉnh về không gian, thời gian cho các hoạt động kinh tế ban đêm, gắn với những hoạt động cụ thể của từng địa phương. Xác định thời gian cụ thể thực hiện đề án, từ đó triển khai quy hoạch có trọng tâm, trọng điểm.
Trước mắt, cần tập trung triển khai thực hiện tại những địa điểm đã có hình ảnh, thương hiệu như TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa)... Sau đó, mỗi địa phương nghiên cứu triển khai các hoạt động đặc thù, phù hợp tình hình thực tế để đa dạng hóa loại hình du lịch.
Xem xét đề xuất các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh tế ban đêm. Phân cấp, phân quyền rõ ràng trong công tác quản lý. Các địa phương có thể quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của mình liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm.
Kinh tế ban đêm bao gồm các hoạt động chính như: Giải trí ban đêm (hoạt động văn hóa – nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện); du lịch ban đêm (hoạt động tham quan ở các địa điểm tập trung khách du lịch); dịch vụ ẩm thực ban đêm (gồm: Nhà hàng, quán bar…), và các hoạt động mua sắm (các chợ đêm, khu mua sắm, thương mại…). |