CôngThương - Kỳ II: Huy động sức mạnh bó đũa
Liên kết phát triển kinh tế biên mậu
Tà Lùng được xem là KKTCK có hoạt động giao thương sôi động nhất của Cao Bằng. Hàng hóa qua đây chủ yếu là hàng nhập về bao gồm các thiết bị, máy móc; phân bón và hàng hóa khác. Theo ông Nguyễn Thế Bằng- Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Tà Lùng, năm 2013, kim ngạch hàng hóa qua cửa khẩu đạt trên 433 triệu USD, lượng hàng hóa được giám sát thông quan đạt trên 1 triệu USD. Số thu ngân sách của chi cục đạt 113 tỷ đồng. Hai KKTCK còn lại là Sóc Giang và Trà Lĩnh trong năm 2013 có hoạt động giao thương không được thuận lợi so với những năm trước do phía Trung Quốc thắt chặt chính sách xuất nhập khẩu qua cửa khẩu. Các mặt hàng giao thương qua đây chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất bao gồm nông sản, nguyên liệu sản xuất, lốp ôtô…
Cao Bằng đặt mục tiêu giai đoạn 2013-2020, KKTCK đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 17 - 20%/năm. Năm 2015, phấn đấu tổng giá trị kim ngạch XNK qua KKTCK đạt khoảng 1,3 tỷ USD và đến năm 2020 là hơn 3,16 tỷ USD. |
Với đường biên giới dài vài trăm km, có nhiều lối mở và điểm giao thương nên việc tập hợp các cửa khẩu lại thành một KKTCK trọng tâm để dồn sức đầu tư hạ tầng,
cơ chế, chính sách cũng như thu hút các nhà đầu tư là hướng đi rất khả thi. Theo đề án, KKTCK Cao Bằng có tổng diện tích hơn 30.000 ha, nằm trong phạm vi của 7 huyện là Phục Hòa, Thạch An, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hà Quảng và Thông Nông. Việc hình thành KKTCK sẽ giúp Cao Bằng huy động tổng lực những lợi thế của giao thương biên mậu. Bởi bên cạnh việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) giữa hai nước, KKTCK tập trung còn tạo nên hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, gia tăng hoạt động thương mại, sản xuất cũng như tạo điều kiện liên kết với các DN trong và ngoài tỉnh để khai thác các thế mạnh về tài nguyên khoáng sản và nông, lâm sản. Đây còn là nơi thử nghiệm mô hình hợp tác, phát triển kinh tế cửa khẩu theo chính sách mở, đồng bộ, phát huy cao nhất tiềm năng, liên kết chặt chẽ với các hoạt động kinh tế-xã hội ở địa phương.
Sẽ có hàng chục triệu tấn hàng qua khu kinh tế mỗi năm
Việc hình thành tuyến vành đai biên mậu và tuyến hành lang giao thông từ Trung Quốc qua cửa khẩu Trà Lĩnh đi các nước ASEAN thông qua cảng Hải Phòng sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế cửa khẩu nói chung và của tỉnh Cao Bằng nói riêng. Trùng Khánh là 1 trong 4 trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc có kim ngạch XNK ở mức 50 tỷ USD/năm. Nếu tuyến hành lang kinh tế được mở ra, diện mạo kinh tế Cao Bằng sẽ có sự thay đổi đáng kể. Bởi chỉ cần chiếm 20% kim ngạch XNK từ Trung Quốc thì mỗi năm sẽ có khoảng 15 triệu tấn hàng hóa chuyển qua cửa khẩu Trà Lĩnh.
Đến nay, có 27 nhà đầu tư đăng ký 33 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 619 tỷ đồng và 30,8 triệu USD vào các lĩnh vực chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, XNK hàng hóa. Cùng với sự nỗ lực đầu tư và phát triển của Cao Bằng, phía Trung Quốc cũng đang gấp rút hoàn thành tuyến đường cao tốc từ Trùng Khánh đến cửa khẩu Trà Lĩnh vào cuối năm 2014. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý nâng cấp tuyến đường quốc lộ 4a từ Lạng Sơn đi Cao Bằng. Đây sẽ là cơ hội lớn để khai thác lợi thế các cửa khẩu Cao Bằng trong việc đẩy mạnh hoạt động thương mại, du lịch, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc.