Phát triển gạch không nung: Cần khuyến khích người tiêu dùng
GKN đã và đang được sản xuất và sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Xin ông cho biết tỷ lệ sản xuất, tiêu thụ của GKN tại Việt Nam so với các nước trong khu vực?
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, GKN chiếm 30% tỷ lệ vật liệu xây dựng, vẫn thấp so với các nước khu vực như Thái Lan, Malaysia chiếm tới 60 - 70%. Mục tiêu Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg tới năm 2020 tối thiểu phải đạt 40%.
Tiến sĩ Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam |
Theo tôi, hiện nay các cơ chế, chính sách cho đầu tư, phát triển sản xuất GKN khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc vận hành, áp dụng cơ chế, thực thi tại từng địa phương thì chưa được thực thi đồng đều. Do vậy thời gian tới, thay vì khuyến khích cần có cơ chế bắt buộc ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi cho người sử dụng, đồng thời mức áp thuế tài nguyên (đất sét) cần được áp dụng triệt để tại các địa phương.
Có ý kiến cho rằng nguyên liệu dùng làm GKN không an toàn, ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?
Nhà nước đang khuyến khích sử dụng các nguồn tài nguyên phụ liệu để dùng cho sản xuất GKN nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nguyên vật liệu nhiều nhất hiện nay vẫn là tro, xỉ nhiệt điện thải ra. Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm, bởi sản phẩm tro, xỉ trước khi đưa vào sử dụng đã được kiểm tra, đánh giá hợp chuẩn, hợp quy theo tiêu chuẩn của nhà nước nhằm đảm bảo làm vật liệu xây dựng an toàn cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang từng bước làm chủ các dây chuyền, công nghệ thiết bị… Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng GKN trên thị trường, theo tôi không phát triển những dây chuyền sản xuất có công suất dưới 7 triệu viên/năm, đồng thời, nhà đầu tư cần phải hiểu rõ quy trình công nghệ để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và ổn định.
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với GKN là đầu ra của sản phẩm. Theo ông, để tháo gỡ nút thắt này, cần có giải pháp gì?
Để tăng tỷ lệ sử dụng GKN trong ngành vật liệu xây dựng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ngoài việc đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về sự cần thiết phải sử dụng vật liệu xây không nung trong xây dựng, cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm trước khi đưa ra thị trường nhằm hạn chế tối đa những sự cố, khiếm khuyết của GKN trong các công trình.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích người sử dụng, bởi hiện nay theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng mới chỉ dừng lại ở mức độ hành chính mà chưa có khuyến khích về mặt kinh tế cho người tiêu dùng. Việc áp dụng hành chính, không có lợi về kinh tế thì người sản xuất, tiêu dùng bằng cách này, cách khác vẫn có thể “lách luật” để đối phó với các cơ quan chức năng.
Đồng thời, cần tiếp tục ban hành tiêu chuẩn hướng dẫn thiết kế, thi công, nghiệm thu các kết cấu xây sử dụng vật liệu xây không nung; đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất và sử dụng các sản phẩm vật liệu xây không nung vào các công trình; đặc biệt là lực lượng trực tiếp sản xuất và thi công.
Xin cảm ơn ông!