Phát triển điện từ rác: Cần sớm hoàn thiện cơ chế
Tận dụng nguồn rác thải để phát điện là xu hướng tất yếu (Ảnh minh hoạ) |
Xin ông cho biết tiềm năng rác thải có thể sản xuất thành điện ở Việt Nam là như thế nào? Lợi ích mang lại trong việc phát triển các nhà máy điện rác ở Việt Nam?
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, lượng rác được thải ra tại Việt Nam bình quân mỗi ngày khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn, riêng thành phố Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày thải ra 7.000-8.000 tấn rác. Lượng rác hiện nay chưa được sử dụng triệt để biến thành nguồn năng lượng phục vụ cuộc sống.
Khoảng 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, đòi hỏi nhiều quỹ đất, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và chưa tận dụng được hiệu quả nguồn năng lượng sinh ra. Công tác vận chuyển hiện còn gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình hiện nay mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.
Với lượng rác thải trên, tiềm năng rác thải có thể sản xuất thành điện ở Việt Nam là rất lớn và việc chuyển đổi rác thải thành năng lượng đang và sẽ tăng lên phù hợp với nhu cầu của thế giới.
Theo chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo được phê duyệt vào cuối năm 2015, tỷ lệ xử lý chất thải rắn đô thị cho mục tiêu năng lượng được sự kiến sẽ tăng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% trong năm 2020 (tương ứng với tỷ lệ 1,05% sản lượng điện năng của hệ thống), và xấp xỉ 70% vào năm 2030 (tương ứng với tỷ lệ 1,1% sản lượng điện năng của hệ thống) và phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ được sử dụng cho mục đích sản xuất năng lượng vào năm 2050.
Việc chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng sẽ góp phần thêm nguồn cung cấp điện cho phát triển kinh tế bền vững, tạo công ăn việc làm, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Có phải những lý do trên mà PECC1 đã tiên phong nghiên cứu, xây dựng những nhà máy điện từ rác mà không phải các dạng nguồn năng lượng khác? Đây có phải là hướng đi chủ lực của Công ty trong những năm tới không?
Hiện nay trên thế giới công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác như có thể giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp...
Nắm được xu thế phát triển cũng như nhu cầu của khách hàng nên PECC1 đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật tốt nhất cho khách hàng về lĩnh vực điện rác. Ngoài ra, cần nói thêm rằng công nghệ của các dự án điện rác cơ bản là giống như các nhà máy nhiệt điện mà trước đây PECC1 đã tiến hành lập báo cáo FS, TKKT, HSMT,… nên đây cũng là một lợi thế của PECC1.
Định hướng phát triển của PECC1 theo phương châm: “Đầu tư phát triển bền vững theo định hướng chuyên nghiệp hóa, đa dạng hóa, hiện đại hóa các dịch vụ tư vấn xây dựng điện lực và các dịch vụ kinh tế kỹ thuật tiềm năng khác vì lợi ích đất nước, lợi ích khách hàng, lợi ích cổ đông và lợi ích người lao động trong công ty”. Theo đó lĩnh vực điện rác thuộc lĩnh vực năng lượng mới là một trong những hướng phát triển của PECC1, cùng với thủy điện, nhiệt điện, đường dây, trạm biến áp và năng lượng mới.
Các dự án PECC1 đã thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật bao gồm: điện rác Sóc Sơn, Điện rác Phú Thọ, Điện rác VIETSTAR, điện rác Thanh Hóa, Điện rác Thái Bình, Điện rác Hải Phòng, Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế Thái Nguyên.
Ông Phạm Nguyên Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 |
Có ý kiến cho rằng, việc phát triển nhà máy điện từ rác mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên cũng có những vấn đề khác như kho tập kết rác, nhà máy gần khu dân cư... dẫn đến một số địa phương chưa đồng ý xây dựng. Vậy khi tham gia các dự án này, PECC1 có giải pháp gì để khắc phục vấn đề trên?
Thực tế các dự án điện rác PECC1 đã lập thì rác thải sinh hoạt của dự án sẽ do cơ quan chủ quản vệ sinh môi trường chịu trách nhiệm thu gom vận chuyển đến nhà máy. Ngoài ra, bên trong các dự án này đều có bể chứa rác (hầm chứa rác) có thể lưu chứa rác trong khoảng 8-10 ngày. Thêm nữa, bể rác được thiết kế khép kín, có chức năng chống rò rỉ, chống ăn mòn, để giữ các loại rác có mùi hôi bên trong không thể ra bên ngoài và luôn được duy trì ở trạng thái áp suất âm.
Quá trình trình cháy của rác trong buồng đốt sẽ sinh ra các chất khí thải ô nhiễm môi trường mà thành phần chính là bụi, axit, dioxin, kim loại nặng. Các thành phần này sẽ bay theo khói mà nếu thải ra ngoài môi trường sẽ gây ô nhiễm và làm ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Vì thế bắt buộc khói sẽ phải qua xử lý trước khi được thải ra ngoài môi trường. Khói sẽ phải đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn về môi trường sau khi qua hệ thống xử lý khói và sẽ được quạt qua ống khói ra ngoài môi trường.
Vì thế bắt buộc khói sẽ phải qua xử lý trước khi được thải ra ngoài môi trường, đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam.
Do đó các dự án điện rác PECC1 đã lập thì cũng không ngoại lệ các yêu cầu như trên, đều phải tuân thủ quy chuẩn Việt Nam.
Trong quá trình triển khai Công ty gặp những khó khăn vướng mắc gì và có kiến nghị gì với các bộ, ngành, địa phương?
Trong quá trình thực hiện các dự án điện rác, chúng tôi thấy có một số vấn đề như: Để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, doanh nghiệp cũng còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng.
Tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện; khiến nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch này của ngành Điện.
Cũng liên quan đến giá mua điện cho các dự án điện rác tại Quyết định này, Bộ KH&CN chỉ ra rằng, giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện tại, có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí Biogas phát điện… nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.
Trong khi đó, doanh nghiệp khi muốn đầu tư xử lý rác tại Việt Nam cũng gặp thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài. Đối với việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt là loại hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thủ tục đầu tư cần thiết lựa chọn nhà đầu tư đã mất từ 1 - 2 năm, sau đó, còn thủ tục đầu tư xây dựng như thẩm định thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…
Việc chậm triển khai còn do “vướng” các quy định, thủ tục đầu tư cần sự phê duyệt của các bộ, ngành, trung ương (phê duyệt đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện...). Ngoài ra, do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài, đình trệ.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (pháp luật về PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…), đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Khi mở cơ chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn, mới góp phần hình thành một ngành một nghiệp môi trường ở Việt Nam.
Các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện và đồng hành cùng các nhà đầu tư để phát huy hiệu quả của dự án.
Xin cảm ơn ông!