Phát triển công nghệ vật liệu mới: Lợi nhiều tỷ đồng
Hoạt chất IAMS-M2-P phục vụ bơm ép tăng cường thu hồi dầu tại thân dầu móng khu vực Đông Nam mỏ Rồng |
KC.02/11-15 là Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước. Mục tiêu của chương trình là tiếp thu, nắm vững được công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất một số loại thép hợp kim, thép chịu nhiệt, hợp kim kim loại màu phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp quốc phòng, phát triển và tạo được công nghệ sản xuất, chế tạo vật liệu nano, đất hiếm, cao su chuyên dụng, polymer và composite đặc biệt, vật liệu y sinh, vật liệu điện tử tiên tiến phục vụ các ngành kinh tế - kỹ thuật…
Theo báo cáo của Ban chủ nhiệm chương trình, trong giai đoạn 5 năm qua, Chương trình KC.02 đã thực hiện 13 đề tài và 10 dự án sản xuất thử nghiệm, với lượng kinh phí đầu tư cho chương trình gần 85 tỷ đồng. Chương trình đã cho những kết quả đáng ghi nhận, đạt được các chỉ tiêu đề ra, thu hút được nhiều cán bộ nghiên cứu từ các bộ, ngành tham gia. Cụ thể, đã hoàn thành được 239 sản phẩm, trong đó, có 55 loại sản phẩm đã bắt đầu được thương mại hóa, đó là một số vật liệu như nanoclay MMT, bột huỳnh quang ba phổ, lốp máy bay bơm hơi không săm, lõi neo cáp bê tông dự ứng lực, hệ chất hoạt động bề mặt IAMS-M2-P để bơm ép tăng cường thu hồi dầu, màng bảo quản rau quả - thực phẩm, sơn vô cơ chịu nhiệt, sáp phức hợp cho thuốc nổ nhũ tương, ván lát và ốp tường sử dụng trong ngành vật liệu xây dựng và nội ngoại thất…
Các kết quả nghiên cứu có nhiều sản phẩm thể hiện rõ tính mới, đạt trình độ ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Tính đến tháng 3/2016, nhiều vật liệu, sản phẩm khoa học và công nghệ được tạo ra từ kết quả của chương trình đã được tiêu thụ trên thị trường với tổng số tiền thu được gần 299,72 tỷ đồng. Chẳng hạn như việc tạo ra 1,53 tấn bột huỳnh quang ba phổ và 300 lít dung dịch bột điện phục vụ chế tạo đèn huỳnh quang ống và huỳnh quang compact cho nguồn thu 2,32 tỷ đồng; 800 chiếc lốp máy bay bơm hơi không săm cho nguồn thu 12 tỷ đồng; 23 tấn hoạt chất IAMS-M2-P phục vụ bơm ép tăng cường thu hồi dầu tại thân dầu móng khu vực Đông Nam mỏ Rồng đem lại nguồn thu 252 tỷ đồng; 212 tấn sáp phức hợp cho sản xuất thuốc nổ nhũ tương đem lại nguồn thu 12,3 tỷ đồng…
Đáng nói hơn, nhờ làm chủ các công nghệ vật liệu mới đã giúp chủ động nguyên liệu phục vụ sản xuất, giảm nhập khẩu, mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, trước đây 100% bột huỳnh quang ba phổ sử dụng để chế tạo đèn huỳnh quang ống và huỳnh quang compact hiệu suất cao ở trong nước phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, thì việc chế tạo thành công bột huỳnh quang ba phổ trong nước từ kết quả của chương trình đã giúp Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tạo ra hơn 2 triệu đèn huỳnh quang chất lượng cao xuất khẩu đi Brazil, Hàn Quốc. Tương tự, trước đây 100% số lượng lõi neo cáp dự ứng lực là do các nhà thầu xây dựng phải nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Đức, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan... với giá cao, nhưng việc triển khai thành công dự án “Hoàn thiện quy trình chế tạo các bộ neo dự ứng lực thay thế neo nhập ngoại” thuộc chương trình KC.02/11-15 đã khẳng định khả năng sản xuất neo cáp bê tông dự ứng lực trong nước, chủ động đáp ứng nhu cầu của các ngành giao thông, xây dựng, quốc phòng. Hiện nay, sản phẩm đã được thương mại hóa và đang được áp dụng tại nhiều công trình giao thông, xây dựng trên toàn quốc.
GS.TS. Nguyễn Việt Bắc - Chủ nhiệm Chương trình KC.02/11-15: Vật liệu tiên tiến hơn, chất lượng hơn quyết định tuổi thọ, độ tin cậy của sản phẩm. Không thể có nền công nghiệp phát triển mà không gắn liền với sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu. |