Phát triển bền vững: Doanh nghiệp cần hành động mạnh mẽ
Phát triển bền vững không mang lại lợi nhuận ngay lập tức
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2024 với chủ đề “Bồi đắp niềm tin, kiến tạo chuyển đổi” diễn ra vào ngày 10/9, nhiều ý kiến cho rằng: Phát triển bền vững là nhu cầu cấp thiết và tất yếu đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh người tiêu dùng đang rất quan tâm đến phát triển bền vững và có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2024 với chủ đề “Bồi đắp niềm tin, kiến tạo chuyển đổi” (Ảnh: NH) |
Cụ thể, phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2024 diễn ra vào buổi chiều 10/9, ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết: Ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn lối sống xanh và lựa chọn sản phẩm xanh dựa trên phát triển bền vững.
“Có 97% người tiêu dùng toàn cầu mong muốn có một lối sống xanh bền vững, cùng với đó 80% người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm dựa trên tiêu chí phát triển bền vững” – ông Binu Jacob cho biết.
Tuy nhiên cũng theo ông Binu Jacob, dù có tới 97% người tiêu dùng mong muốn có một lối sống xanh, nhưng chỉ có 17% người tiêu dùng có thể thực hiện được, và tại Việt Nam tỷ lệ này là 2% theo đuổi lối sống xanh, lựa chọn sản phẩm xanh. Nhưng có tới 29% người tiêu dùng sẵn sàng và đánh giá cao phát triển bền vững, và trong thời gian tới, tỷ lệ này không chỉ dừng lại ở 29% mà có thể tăng lên đến 50%.
Phát biểu tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, phát triển bền vững là một khoản đầu tư “dài hơi”, và có thể không mang lại lợi nhuận ngay lập tức. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, đầu tư cho phát triển bền vững sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Liên quan đến quan điểm này, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam thừa nhận, phát triển bền vững và lợi nhuận giống như 2 mặt của một đồng xu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên coi đầu tư phát triển bền vững là chi phí và làm giảm lợi nhuận, bởi nếu phát triển bền vững đúng cách, sẽ gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp về lâu dài.
“Trên cơ sở đó, muốn theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp cần được bảo trợ, định hướng ngay từ cấp lãnh đạo cao nhất” – ông Binu Jacob nêu quan điểm.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Trà My – đồng sáng lập Tập đoàn PAN cũng cho rằng: Để phát triển bền vững, người đứng đầu doanh nghiệp, công ty có vai trò vô cùng quan trọng và cần kiên định với mục tiêu đề ra.
Thực tế, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp cũng đã có những hành động thiết thực. Điển hình như Nestlé Việt Nam đã thay thế ống hút nhựa bằng ống hút bằng giấy để bảo vệ môi trường. Hay như Tổng Giám đốc Tập đoàn Coca-Cola Việt Nam, bà Milly Cheng cũng cho biết, doanh nghiệp này đã thay thế chai nhựa bằng chai giấy để giảm thiểu rác thải nhựa, nhằm bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Diễn giả tham gia thảo luận tại phiên toàn thể Diễn đàn chiều 10/9 (Ảnh: NH) |
Phát triển bền vững không phải là gánh nặng hay chi phí
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Trong hành trình hướng tới Net Zero, bên cạnh sự dẫn dắt, định hướng của cơ quan chức năng, sự sáng tạo, tham gia mạnh mẽ và thúc đẩy sự chuyển đổi trong cộng động doanh nghiệp là rất quan trọng. Điều này thể hiện qua việc thay đổi nhận thức; thay đổi mô hình kinh doanh và lan toả lối sống xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong đó, liên quan đến thay đổi nhận thức, ông Lê Việt Anh cho rằng: Trong "cuộc đua" xanh toàn cầu, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận phát triển bền vững không phải là gánh nặng hay chi phí, mà là sự đầu tư và đón đầu cơ hội. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần định nghĩa lại về tiêu chuẩn thành công của doanh nghiệp ngày nay.
"Giờ đây các doanh nhân cần thay đổi tư duy, xác định gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường. Chỉ khi gắn kết được mục tiêu tăng trưởng kinh tế với giảm phát thải khí nhà kính, trung hoà các-bon, giảm thiểu việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên thì doanh nghiệp mới có được sự phát triển thành công, bền vững trong thời đại ngày nay" - ông Lê Việt Anh khẳng định.
Liên quan đến thay đổi trong mô hình kinh doanh, theo ông Lê Việt Anh: Thực tế, mô hình kinh doanh truyền thống, kinh doanh vị lợi nhuận (business as usual) đã không còn là một lựa chọn tối ưu. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần chuyển đổi sang kinh doanh “vị tự nhiên” (nature positive business). Theo đó, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cắt giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn cân bằng đa dạng sinh thái… là những hướng đi tiên tiến của doanh nghiệp kinh doanh “vị tự nhiên”. Các doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy thực hành khung ESG trong quản trị doanh nghiệp thông qua việc tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số.
Đặc biệt, cần lan tỏa chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, 97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa và các doanh nghiệp này cần xác định việc thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững không chỉ giành riêng cho các doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phải tích cực và chủ động tham gia vào cuộc đua xanh này. Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các hiệp định này đòi hỏi các nước thành viên phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường, điều cần thiết để đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
"Do vậy, các doanh nghiệp lớn cần thúc đẩy, lan tỏa việc chuyển đổi xanh vào cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, định hướng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào chuỗi giá trị xanh toàn cầu" - đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu..
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững (VCSF) là một sự kiện thường niên quan trọng, được mong đợi đối với không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà còn cả với các nhà hoạch định, xây dựng chính sách và cơ quan quản lý nhà nước. Diễn đàn nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của lãnh đạo Chính phủ, của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững. Qua 10 lần tổ chức, Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam đã đóng vai trò tạo không gian đối thoại và phổ biến chính sách, xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, phản ánh thực tiễn đời sống sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ giải pháp, sáng kiến và mở ra cơ hội hợp tác hướng tới sự phát triển bền vững, bắt kịp với các xu thế phát triển mới trên thế giới. |