![]() |
Ảnh minh họa |
Bà Shoho Ishikawa - Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) - nhận định, thế giới chứng kiến không ít thay đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong một thập kỷ qua. Việt Nam cũng tích cực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, với mục tiêu này, không ai bị bỏ rơi lại đằng sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Việt Nam cũng đã ban hành luật quốc gia về bình đẳng giới, Luật Lao động mới cũng tăng quyền của phụ nữ trong việc làm... mặc dù vậy, vẫn tồn tại những khoảng cách nhất định giữa phụ nữ và nam giới tại Việt Nam.
Cụ thể, theo bà Shoho Ishikawa: Mặc dù đã tham gia nhiều vào các công việc ngoài gia đình, trong các doanh nghiệp, song phụ nữ Việt Nam chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ thấp, lao động bằng chân tay và có mức thu nhập hạn chế hơn nam giới. So với nam giới, phụ nữ cũng ít được tiếp cận hơn với các khóa học về đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng do phải tham gia quá nhiều thời gian vào công việc gia đình.
Trong một nghiên cứu khác, TS Nguyễn Thị Lan Hương - Chuyên gia tư vấn về giới - lại cho rằng, phụ nữ Việt Nam hiện nay đã tham gia nhiều hơn vào các công việc xã hội, số lượng doanh nhân nữ cũng tăng lên nhiều hơn, song tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với nam giới. Đặc biệt, so với các DN có lãnh đạo là nam giới, DN có lãnh đạo là nữ giới phải chịu nhiều sức ép hơn và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn vốn. DN có lãnh đạo là nữ giới cũng phải bỏ ra nhiều chi phí không chính thức hơn, do đó có tới 60-70% DN có quản lý là nữ giới là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những DN có lãnh đạo là nữ thường thu hút nhiều lao động nữ làm việc hơn. Vì vậy để hỗ trợ cho lao động nữ, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ DN có lãnh đạo là nữ giới phát triển.
Từ kết quả nghiên cứu trên, bà Shoho Ishikawa cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách tạo thuận lợi và thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ nhiều hơn nữa. Theo đó, cần lồng ghép những yếu tố giới trong quá trình xây dựng chính sách, nhằm tạo cơ hội và việc làm tốt hơn cho phụ nữ, đặc biệt trong khu vực dịch vụ và sản xuất, xuất khẩu.