Phát huy nội lực của doanh nghiệp
Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường nước ngoài bằng chất lượng, giá thành hợp lý |
Theo ông, việc ban hành và thực thi các khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nói chung, DNNVV nói riêng đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy DN, doanh nhân, phát triển?
DNNVV và tư nhân đã và đang được nhà nước, xã hội hết sức quan tâm và đó là nguồn động viên, khích lệ quan trọng. Tuy nhiên, để trở thành động lực thúc đẩy khu vực DNNVV phát triển, thì có lẽ chúng ta cần phải có sự thay đổi. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ DNNVV vẫn “nặng” về tính cam kết, tuyên bố và chính sách nằm tản mát trong nhiều văn bản khác nhau, đôi khi còn “công nhau”... Vì thế, để trở thành “động lực thúc đẩy”, tôi cho rằng, các chính sách cho khu vực DNNVV cần khắc phục những hạn chế trên và phải có cơ chế để tất cả các bộ, ngành đều chung tay và có trách nhiệm hỗ trợ DNNVV.
Ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Tại nhiều diễn đàn, Thủ tướng đã khẳng định xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và bắt tay hành động với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích DN, doanh nhân. Khối DNNVV được thụ hưởng gì từ những “lời nói, việc làm” của Chính phủ trong thời gian qua, thưa ông?
Trước tiên, cá nhân tôi rất ấn tượng với những thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Với quan điểm “Chính phủ phục vụ”, khu vực kinh tế tư nhân và DNNVV sẽ được thụ hưởng và tiếp cận nhiều nguồn lực từ nhà nước, xã hội, đặc biệt là các phiền hà trong thủ tục hành chính cũng sẽ được giảm thiểu.
Qua các khảo sát từ đầu năm đến nay, Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận thấy, trong một số lĩnh vực đã có sự thay đổi. Điển hình là việc tiếp cận các thủ tục hành chính, các dịch vụ công trong thành lập DN, thuế, hải quan… đã có sự cải thiện rõ nét. Số DN thường xuyên phàn nàn về hoạt động này đã giảm từ 28% năm 2015 còn 18,8% năm 2016.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, như: Đất đai, mặt bằng sản xuất; giấy phép xây dựng; tiếp cận tín dụng; tiếp cận các thông tin về mua sắm công; các chương trình dự án hỗ trợ của nhà nước… chưa thực sự có chuyển biến tích cực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa cho ý kiến vào dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Dù còn ý kiến khác nhau, song UBTVQH khẳng định ủng hộ quan điểm hỗ trợ DNNVV phát triển. Các DNNVV đón nhận thông tin này như thế nào? Kỳ vọng của ông và khối DNNVV?.
Là thành viên Ban soạn thảo đạo Luật này, tôi cảm nhận được đầy đủ sự quan tâm và mong muốn có đạo luật về hỗ trợ phát triển DNNVV của các thành viên UBTVQH. Các ý kiến khác nhau chủ yếu là về “kỹ thuật”, cách thức và những quy định cụ thể và điều đó cũng rất bình thường, vì để có được những “đột phá” thì việc có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau là cần thiết.
Cộng đồng DNNVV mong muốn Luật sớm ra đời để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hỗ trợ DNNVV, tạo ra tác động tích cực lên nhiều mặt của bức tranh chung của các DNNVV.
Trên thực tế, dù nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, nhưng thành công hay không có phần quan trọng từ bản thân mỗi DN, doanh nhân. Ông nghĩ sao về ý kiến này? Và ông có gửi gắm gì tới các DN, doanh nhân?
Nếu giả định tất cả các chính sách của nhà nước đối với DNNVV đều đúng đắn và kịp thời, thì bản thân các DN vẫn cần phải dũng cảm hành động quyết liệt thì mới có được thành công. Luôn luôn có ý thức “tự cường” và không ngừng hợp tác liên kết với các DN trong nước và nước ngoài là yếu tố quyết định.
Nhân đây, tôi cũng khẳng định, cộng đồng DNNVV mong muốn Chính phủ xây dựng một bộ máy quản lý và hoạt động “năng động” hơn. Điều này có nghĩa là các nhà lập pháp, hành pháp phải không ngừng thích nghi với môi trường mới và cần có sự quan tâm đặc biệt và hợp tác chặt chẽ với DN và công dân của mình.
Xin cảm ơn ông!