Vụ MV của Sơn Tùng: Nghệ sỹ cần nâng tầm văn hóa và trách nhiệm xã hội Nghệ sỹ guitar nổi tiếng thế giới Bokyung Byun góp mặt trong đêm diễn của dàn nhạc SSO |
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về đề xuất cấm diễn, cấm sóng, cấm mạng xã hội với nghệ sỹ vi phạm pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nghệ sĩ - trung tâm của nghệ thuật luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội |
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông có đề xuất cấm diễn, cấm sóng, cấm mạng xã hội với nghệ sỹ vi phạm pháp luật. Ông có ý kiến gì với đề xuất này?
Chúng ta luôn đánh giá cao vai trò của nghệ thuật đối với sự phát triển đất nước. Nghệ thuật trước hết phải vì con người, vì cuộc sống, từ đó, nghệ thuật mới lan tỏa được giá trị chân - thiện - mỹ, định hướng sự phát triển đạo đức xã hội.
Tuy nhiên, để nghệ thuật đi vào lòng người, giúp con người thấu hiểu ý nghĩa, và truyền cảm hứng của sáng tạo, nghệ thuật cũng đồng thời phải là cái đẹp, tôn vinh cái đẹp. Có được điều đó, nghệ thuật sẽ có ý nghĩa nhiều hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, trong những hoàn cảnh đất nước ta đang đối với với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, trách nhiệm trước cuộc sống của nghệ thuật càng rõ ràng hơn.
Với sự đồng hành của nghệ thuật, chúng ta sẽ có một đời sống tinh thần tích cực và lành mạnh hơn, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được thắng lợi cuối cùng một cách dễ dàng hơn. Chính vì thế, người nghệ sỹ - trung tâm của nghệ thuật luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Và chúng ta luôn mong muốn các nghệ sỹ là những tấm gương sáng để truyền cảm hứng cho toàn xã hội đến những giá trị chân - thiện - mỹ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5/1/1952, đăng toàn văn Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”. Lời của Bác như một sự khẳng định về vai trò, vị trí và ý nghĩa của các nghệ sỹ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Do hoàn cảnh đất nước ta như vậy nên người nghệ sỹ có trách nhiệm nặng nề (và cũng là vinh dự) đối với sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là đạo đức xã hội. Có thể ở một quốc gia khác, trong nền văn hóa khác, sự đánh giá về đạo đức của nghệ sỹ ít khắt khe hơn, bởi dù sao họ cũng là con người của nghệ thuật, cần sự ngẫu hứng sáng tạo, thậm chí đôi khi là khác người để tìm tòi và sáng tác ra các tác phẩm, đồng thời họ cũng được xem xét với tư cách là người bình thường, vì thế họ cũng có thể bị những cám dỗ đời thường ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư.
Nhưng đối với những đất nước Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, người nghệ sỹ thường nhận được sự quan tâm khắt khe hơn, cả ở khía cạnh tác phẩm và con người của nghệ sỹ. Đó là lý do tại sao, mỗi khi nghệ sỹ có hành động lệch chuẩn, phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật luôn có dư luận đòi hỏi cấm sóng.
Trong năm vừa qua, chúng ta chứng kiến khá nhiều nghệ sỹ có những hành động lệch chuẩn, phản cảm, vi phạm đạo đức xã hội, ảnh hưởng chung đến những nghệ sỹ chân chính và môi trường nghệ thuật trong lành.
Do đó, để xử lý dứt điểm tình trạng này, tôi đồng ý với ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc có những chế tài nghiêm khắc hơn, trong đó có hình thức cấm sóng, cấm quay lại biểu diễn trong một khoảng thời gian nhất định hoặc vô thời hạn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi của nghệ sỹ. Điều này sẽ trả lại môi trường trong lành cho nghệ thuật, có tác dụng tốt đối với sự phát triển đạo đức cho xã hội.
Hiện có nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tuy nhiên có không ít lo ngại liệu quy định được xây dựng có vi phạm quyền công dân khi cấm sóng mạng xã hội đối với nghệ sỹ?
Chúng ta cần hiểu cấm sóng theo nghĩa là hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hạn chế đăng tải thông tin trên môi trường mạng. Mọi người đều cần tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có những điều pháp luật chưa điều chỉnh hết thì chúng ta cũng cần có những công cụ khác phù hợp hơn.
Theo tôi, một trong những nguyên tắc căn bản là các nghệ sỹ có quyền được thực hiện những gì pháp luật không cấm, nhưng đồng thời họ cũng cần tôn trọng quyền của những người khác, và đặc biệt là những lợi ích công cộng chung. Chính vì thế, khi các phương tiện truyền thông và các cơ quan chức năng chủ động cấm sóng để bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng, bảo đảm việc thực hiện quyền của nghệ sỹ cũng đồng nghĩa với việc tôn trọng quyền của những người khác, thì đó không xem vi phạm quyền công dân của nghệ sỹ.
Vậy theo ông, tới đây các quy định để chấn chỉnh các hoạt động của nghệ sỹ cần xây dựng như thế nào cho phù hợp? Trong khi đó Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã có Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật?
Bộ Văn hóa, Thể thảo và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, đây là một nỗ lực đáng trân trọng nhằm nâng cao nhận thức cho nghệ sỹ, từ đó giúp họ có hiểu biết và hành vi đúng đắn hơn trong nghề nghiệp và cuộc sống, trở thành tấm gương tốt cho xã hội.
Tuy nhiên, để chấn chỉnh các hoạt động của nghệ sỹ thì cần có nhiều giải pháp khác nhau. Đầu tiên là tuyên truyền nâng cao nhận thức để có hiểu đúng, rõ về vị trí, vai trò và ý nghĩa của bản thân và công việc của nghệ sỹ trong xã hội. Bộ quy tắc ứng xử và các hoạt động truyền thông có thể giúp được điều đó.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những chế tài mạnh mẽ hơn như luật pháp (mà Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn) hay những biện pháp kỹ thuật như gợi ý về cấm sóng của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có những hình thức khác như hình thành dư luận xã hội lên án những hành vi lệch chuẩn, không phù hợp của nghệ sỹ, ủng hộ những hành vi đúng, hình ảnh đẹp...
Và đặc biệt, tôi thấy rất tâm đắc với ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc chúng ta cần quan tâm thật đến đời sống nghệ sỹ để họ có thể toàn tâm, toàn ý, tâm huyết cho nghệ thuật. Tất cả sẽ giúp chúng ta hình thành nên một môi trường lành mạnh cho sự phát triển nghệ thuật, cũng là cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Xin cảm ơn ông!