PC Quảng Ninh – Đưa trạm biến áp số đầu tiên vào vận hành
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh- Giám đốc PC Quảng Ninh chia sẻ- Trong kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2022, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã lãnh đạo, chỉ đạo PC Quảng Ninh tập trung đẩy nhanh hoàn thành việc số hóa hồ sơ và tin học hóa các nghiệp vụ quản lý an toàn; Bảo vệ đường dây/TBA/phương án trật tự an ninh; Đẩy mạnh công tác nhập dữ liệu lên các hệ thống thông tin quản lý… Đến nay, đã có nhiều đề án về ứng dụng khoa học công nghệ được PC Quảng Ninh quyết liệt triển khai trong quá quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và đã mang lại hiệu quả cao. Trong đó, nổi bật là việc áp dụng TBA kỹ thuật số.
Cấu hình, thử nghiệm thiết bị chuyển đổi tín hiệu số |
Theo đó, trong suốt thời gian vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, thời tiết nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các hạng mục của dự án, tuy nhiên vượt qua những khó khăn thách thức đó, PC Quảng Ninh đã tập trung mọi nguồn lực, phối hợp với các đơn vị liên quanhoàn thành, đóng điện an toàn dự án lắp máy biến áp T2 và hoàn thiện sơ đồ trạm 110kV Cái Lân (E5.11). Dự án lắp đặt máy biến áp T2 – 25MVA – 115/38,5/23kV tại TBA 110kV Cái Lân theo mô hình TBA kỹ thuật số đã được đưa vào vận hành sau 45 ngày đêm nỗ lực xây dựng.
Quy mô dự án bao gồm: Lắp đặt bổ sung ngăn lộ 110kV lộ 172, 132; MBA T2 – 25MVA – 115/38,5/23kV;Hệ thống thanh cái trung áp 22kV C42 và hệ thống rơ-le bảo vệ kỹ thuật số đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống MBA T1 hiện hữu… Hệ thống thu thập dữ liệu phục vụ giám sát, điều khiển, vận hành của dự án sử dụng công nghệ kỹ thuật số cho phép giảm khối lượng thi công mạch nhị thứ theo kiểu truyền thống, đồng thời tăng độ ổn định trong vận hành và đáp ứng xu thế ứng dụng công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, dự án lắp máy biến áp T2 thuộc TBA 110kV Cái Lân (E5.11) là một trong những dự án đầu tiên trong toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc thí điểm sử dụng công nghệ PROCESS BUS, công nghệ TBA kỹ thuật số.
Công nghệ tiên tiến này đem lại nhiều lợi ích, nổi bật trong đó là: Các trạm biến áp truyền thống, các thiết bị nhất thứ trong trạm và các thiết bị nhị thứ được kết nối bằng dây dẫn cáp đồng, dẫn đến tạo ra rất nhiều các kết nối phần cứng phức tạp. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý vận hành, trạm biến áp số sẽ thay thế toàn bộ mạch điện nối cáp đồng của trạm biến áp thông thường bằng cáp quang, nhờ đó các tín hiệu (đo lường, bảo vệ, điều khiển, trạng thái…) truyền từ thiết bị nhất thứ đến tủ điều khiển được chuyển thành tín hiệu số thông qua giao thức IEC-61850. Ngoài ra, công nghệ PROCESS BUS sẽ thay thế toàn bộ mạch điện nhị thứ nối cáp đồng của trạm thông thường bằng cáp sợi quang và việc truyền nhận dữ liệu từ các thiết bị ngoài trời vào trong nhà điều hành và kết nối về Trung tâm điều khiển từ xa được “số hóa” toàn bộ.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tĩnh việc áp dụng TBA kỹ thuật số tại tại TBA 110kV Cái Lân đã làm tăng cường liên kết lưới, nâng cao độ ổn định và tin cậy cung cấp điện cho phụ tải tại khu vực tỉnh Quảng Ninh; Giảm chi phí bảo dưỡng; Làm tăng khả năng chuẩn đoán chuyên sâu của các thiết bị số, đảm bảo thời gian vận hành tối đa của TBA số. Bất kỳ sự suy giảm nào về hiệu năng của thiết bị sẽ được xác định chính xác theo thời gian thực. Đặc biệt, tính năng dự phòng vốn có trong hệ thống có thể tự vận hành khi xảy ra một số sự cố đơn lẻ và cho phép xử lý sự cố mà không cần cắt điện. Đồng thời, TBA số sẽ giám sát chặt chẽ tất cả các thiết bị trong trạm; Các hệ thống thông minh phân tích dữ liệu và đưa ra các khuyến cáo sửa chữa, bảo dưỡng.
Đặc biệt, khi áp dụng mô hình TBA số sẽ loại bỏ được nguy hiểm do hở mạch nhị thứ biến dòng điện và nguy cơ cháy nổ do TBA số dụng các biến dòng điện quang (không sử dụng dầu cách điện). Bên cạnh đó, máy biến áp kỹ thuật số cũng làm giảm diện tích của TBA. Bởi các IED bỏ các bo mạch I/O nên sẽ nhỏ gọn hơn đến một nửa và lắp trên số tủ bảng ít hơn. Các máy biến áp đo lường kỹ thuật số nhỏ và nhẹ hơn, giảm diện tích đất cần thiết trong TBA…. Với những ưu điểm nổi bật mang lại, TBA kỹ thuật số hứa hẹn sẽ là công nghệ mang tính chiến lược, đột phá và được áp dụng rộng rãi trong thời gian tới. Điều này hoàn toàn phù hợp với quá trình thực hiện từng bước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và “số hóa” các TBA nhằm phục vụ mục tiêu trong “Đề án Xây dựng lưới điện thông minh” của Chính phủ và Tập đoàn điện lực Quốc gia Việt Nam.
Anh Đỗ Trung Quyết - Trưởng trạm 110kV Cái Lân chia sẻ:“Dựa trên nền tảng chuyên sâu, cũng như đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật điện và hơn 15 năm tham gia quản lý vận hành trạm 110kV Cái Lân (E5.11), nắm rõ lịch sử thiết bị, cùng với việc liên tục cập nhật các công nghệ mới, TBA 110kV Cái Lân (E5.11) đã nắm bắt được công nghệ kỹ thuật số mới để đưa vào vận hành, từng bước khẳng định vai trò trong công tác quản lý vận hành và đáp ứng mọi yêu cầu về ứng dụng, thay đổi công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện, cũng như chuyển đổi số”..