OPEC+ thắt chặt nguồn cung: Thị trường dầu mỏ đứng trước nguy cơ biến động mạnh
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân là do nhu cầu từ Trung Quốc (nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới) yếu đi và nguồn cung từ các nước phi /chu-de/opec.topic tăng lên, khiến giá dầu vẫn chịu sức ép giảm.
Kế hoạch trước đó nêu rõ, OPEC+ tăng bơm dầu trở lại từ tháng 12, với mức 180.000 thùng/ngày. Các bộ trưởng dầu mỏ cũng lặp lại cam kết tuân thủ đúng hạn ngạch về sản lượng.
Sau động thái của OPEC+, giá dầu thô thế giới tăng gần 2%. Dầu Brent giao dịch tại 74,5 USD, WTI lên 70,9 USD/thùng. Dù vậy, giá dầu Brentcách xa mức đáy xác lập hồi tháng 9, là 69 USD.
OPEC+ tiếp tục ‘thắt chặt’ nguồn cung. Ảnh: Pixabay |
Các nhà phân tích cho rằng, việc trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng thêm một tháng nữa cũng cho phép OPEC+ có thêm thời gian để quyết định mức sản lượng cho năm 2025, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Các thành viên OPEC+ sẽ có cuộc họp trực tiếp vào ngày 1/12 tại Vienna, Áo để đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Trước đó, OPEC+ đã hoãn kế hoạch nâng sản xuất trong tháng 10 và 11, do giá giảm, nhu cầu yếu và nguồn cung tăng lên. Việc nhà đầu tư bớt lo lắng về xung đột tại Trung Đông cũng gây sức ép lên thị trường.
Chiến lược gia Walt Chancellor tại Tập đoàn tài chính và Ngân hàng Macquarie nhận định, động thái của OPEC+ đã khiến nhiều người nghi ngại về cam kết khôi phục nguồn cung vào năm 2025, song có thể làm giảm lo ngại về một cuộc đua giá cả mới giữa các nước trong khối.
Theo Tổng thư ký OPEC, Haitham Al Ghais, tổ chức này vẫn rất lạc quan về nhu cầu dầu trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Công ty Dầu khí Pháp TotalEnergies dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh sau năm 2030. Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Công ty Năng lượng Eni (Italia) nhận định, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng và những nỗ lực gần đây của tổ chức này đã làm tăng sự biến động trên thị trường năng lượng và cản trở đầu tư vào sản xuất mới.
Trong 1 năm qua, giá dầu thế giới đã liên tục phản ứng với tình trạng leo thang của xung đột quân sự ở Trung Đông, nhưng phần bù rủi ro địa chính trị trong giá dầu có xu hướng giảm nhanh chóng mỗi khi các nhà đầu tư chuyển hướng sự chú ý trở lại với các yếu tố kinh tế vĩ mô.
OPEC nói chung và Saudi Arabia nói riêng đều đã nhiều lần nói rằng họ không đặt mục tiêu cụ thể nào cho giá dầu và sẽ đưa ra các quyết định sản lượng dựa trên các yếu tố căn bản của thị trường và vì lợi ích cân bằng cung - cầu.
Các chương trình cắt giảm sản lượng mà OPEC+ thực thi từ năm 2022 đến nay khiến tổng sản lượng dầu của nhóm này giảm 5,86 triệu thùng/ngày so với trước đó, tương đương 5,7% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Mục đích của việc giảm sản lượng này là hỗ trợ giá dầu.
Trong đó, mức giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày thuộc về các chương trình cắt giảm sản lượng tự nguyện. Số 3,66 triệu thùng/ngày còn lại là của các chương trình bắt buộc và dự kiến sẽ được duy trì đến cuối năm 2025 - theo một thỏa thuận của liên minh vào tháng 6/2024.