OPEC+ tăng sản lượng cũng không thể "hạ nhiệt" giá dầu thô
Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua (30/05- 05/06), thị trường hàng hoá ghi nhận những biến động trái chiều của hàng loạt các mặt hàng quan trọng. Điều này đã khiến chỉ số MXV- Index gần như “đứng yên” ở mức 3.076 điểm bởi diễn biến phân hoá và giằng co giữa các nhóm hàng hoá nguyên liệu đang được giao dịch liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV). Nhà đầu tư đặc biệt dành sự quan tâm đến thị trường năng lượng và nông sản khi mà mức biến động trong tuần qua của hai thị trường này lên đến lần lượt gần 4% và 5%.
Với tính ưu việt của thị trường T0, nhà đầu tư có thể hưởng lợi kể cả khi giá thế giới tăng hay giảm, do đó, dòng tiền đổ vào thị trường hàng hoá tiếp tục tăng trưởng 15% so với tuần trước đó, giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 5.500 tỷ đồng mỗi ngày. Trong đó, nhóm các mặt hàng năng lượng vẫn khẳng định sức hút mạnh mẽ đối với giới đầu tư trong nước, khi giá trị giao dịch tính riêng nhóm này chiếm đến 45% tổng lượng tiền kể trên của cả thị trường.
Chỉ số MXV- Index |
Nguồn cung thắt chặt đẩy giá dầu liên tục tăng cao
Dầu thô đã duy trì đà tăng trong 6 tuần liên tiếp, khi thị trường được dẫn dắt bởi các lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Kết thúc tuần, giá WTI tăng 3,3% lên 118,87 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 3,6% lên 119,72 USD/thùng. Như vậy, đây là mức đóng cửa tuần cao nhất của mặt hàng này kể từ tháng 04/2008 đến nay.
Sau một thời gian dài thảo luận, nhóm các nước thuộc Liên minh châu Âu EU cuối cùng cũng đã thống nhất được kế hoạch chi tiết để cấm vận dầu nhập khẩu dầu từ Nga. Cụ thể, EU sẽ có 6 tháng chuẩn bị để dừng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô qua đường biển và 8 tháng để dừng nhập khẩu các sản phẩm tinh chế. Một số thành viên như Hungary sẽ nhận được miễn trừ khỏi các lệnh cấm, giúp cho họ vẫn được mua dầu Nga với khối lượng lên đến 300.000 thùng/ngày. Tuy vậy, theo dự đoán của công ty nghiên cứu Platts Analytics, bất chấp các ngoại lệ, đến cuối năm nay, lệnh cấm này vẫn sẽ khiến cho xuất khẩu của Nga sang châu Âu giảm khoảng 1,9 triệu thùng/ngày đối với dầu thô, và 1,2 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm tinh chế.
Bảng giá Nhóm năng lượng |
Thiếu hụt sản lượng từ Nga vẫn khó có thể bù đắp
Trong khi sản lượng dầu từ Nga gần như chắc chắn sẽ giảm, các nước tiêu thụ lớn vẫn đang loay hoay trong việc tìm nguồn cung thay thế. Mới đây nhất, theo kết quả cuộc họp chính sách của OPEC+, nhóm sẽ gia tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, cao hơn so với cam kết 432.000 thùng/ngày trong giai đoạn trước đó. Mặc dù là một tín hiệu tích cực, nhưng số lượng này khó có thể bù đắp được sự thiếu hụt sản lượng của Nga.
Bên cạnh đó, sản lượng khai thác thực tế của nhóm này chưa khi nào đạt đúng như hạn ngạch cam kết. Nguyên nhân do một số quốc gia thành viên không có khả năng tăng sản lượng thêm nữa, như Angola, Nigeria và đặc biệt là Nga. Nhiều chuyên gia dự báo mức tăng sản lượng thực tế trong 2 tháng tới sẽ chỉ bằng 50% so với thông báo của OPEC+.
Thêm vào đó, theo số liệu của nhà cung cấp dịch vụ Baker Hughes, tuần vừa rồi nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ tiếp tục không tăng số lượng giàn khoan dầu khí, mà giữ nguyên ở mức 727 giàn. Số lượng giàn khoan là một chí báo sớm cho khả năng tăng sản lượng, do đó thông tin vừa rồi gợi ý sản lượng dầu tại Mỹ khó có thể tăng bù mạnh để kịp mùa lái xe cao điểm từ tháng 6.
Hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen được nối lại, thị trường nông sản đỏ lửa
Trong khi các mặt hàng năng lượng đồng loạt tăng mạnh, thì thị trường nông sản lại trải qua tuần giao dịch đỏ lửa. Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, giá ngô giảm mạnh 6,47%, đóng cửa ở mức 286 USD/tấn, tiếp nối tuần giảm thứ 5 liên tiếp với lực bán được đẩy mạnh trong suốt cả 4 phiên giao dịch ngay sau khi thị trường mở cửa trở lại sau đợt nghỉ lễ đầu tuần.
Triển vọng hoạt động xuất khẩu được nối lại ở Ukraine chính là yếu tố chính lý giải cho diễn biến lao dốc của mặt hàng này. Theo tuyên bố từ điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong một cuộc điện đàm rằng, Nga sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ngũ cốc bằng đường biển không bị cản trở, bao gồm cả ngũ cốc từ các cảng của Ukraine. Hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen được nối lại kể từ sau khi các hoạt động chiến sự diễn ra vào cuối tháng 2 đã gây sức ép mạnh lên giá ngô.
Bảng giá nông sản |
Cùng chung diễn biến với giá ngô, tuyên bố sẵn sàng thiết lập hành lang nhân đạo của Nga, giúp các tàu chở ngũ cốc của Ukraine hoạt động trở lại qua khu vực biển Azov cũng đã khiến giá lúa mì lao dốc và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 2. Đóng cửa tuần, giá lúa mì Chicago đánh mất 10,15% xuống còn 382 USD/tấn. Lúa mì Kansas cũng giảm sâu 9,25%, chốt ở sát mức 412 USD/tấn. Thậm chí, trong tuần, mặt hàng này đã từng chứng kiến mức giảm kịch sàn.
Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt kỳ vọng sẽ đàm phán và tạo ra những tiến triển cho việc thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga tới nước này trong tuần này. Tín hiệu tích cực đối với nguồn cung lúa mì từ Biển Đen và đã áp lực lên giá trong tuần vừa qua, dẫn đến mức giảm sâu của mặt hàng này.
Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam nhận định những rủi ro về nguồn cung ở các quốc gia sản xuất khác như Mỹ và Pháp vẫn rất tồn tại khi chất lượng cây trồng đang ở mức thấp do thời tiết bất lợi. Chính vì thế nên lúa mì trong tuần này sẽ còn nhận được hỗ trợ giúp giá không tiếp tục giảm quá mạnh.
Giá nông sản nhập khẩu |
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá nông sản nhập khẩu tại cảng Cái Lân cũng đã có điều chỉnh giảm so với tuần trước, tuy nhiên, mức giảm vẫn chưa đáng kể so với đà giảm của giá thế giới và mức kỳ vọng của các doanh nghiệp TĂCN trong nước. Tính từ đầu năm nay, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng mạnh trong khi giá sản phẩm đầu ra không tăng tương ứng gây nhiều khó khăn cho ngành sản xuất nội địa.