Thứ năm 19/12/2024 13:43

OPEC+ sẽ ‘siết van’ bơm dầu đến khi nào?

Giá dầu thế giới đã vượt đỉnh cao nhất 5 tháng, tiến sát 90 USD/thùng trước rủi ro địa chính trị và chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện từ OPEC +.

Giá dầu thế giới đã vượt đỉnh cao nhất 5 tháng, tiến sát 90 USD/thùng trước rủi ro địa chính trị và chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Đà tăng sẽ còn tiếp tục nếu kế hoạch kéo dài, khiến thị trường đặt ra câu hỏi rằng khi nào OPEC+ mới đủ động lực dừng chiến lược “siết van” bơm dầu?

OPEC+ đang thành công nâng giá dầu

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), /chu-de/gia-dau-wti.topic và dầu Brent hiện đang được giao dịch ở mức cao nhất trong 5 tháng qua. Cụ thể, kết thúc ngày 2/4, giá dầu WTI và Brent đồng loạt tăng 1,72%, trong đó dầu Brent đạt mốc 88,92 USD/thùng. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 18% giá trị.

Một trong những nguyên nhân chính, đồng thời có tác động mạnh nhất tới xu hướng này là chính sách hạn chế sản lượng của các thành viên OPEC+. Vào đầu tháng 3/2024 vừa qua, các thành viên nhóm OPEC+ đã quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng khoảng 2,2 triệu thùng dầu/ngày sang quý II/2024. Chỉ trong một năm rưỡi, đã có khoảng 5,66 triệu thùng dầu/ngày từ OPEC+ “biến mất” khỏi thị trường.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã thay đổi triển vọng thị trường dầu toàn cầu năm 2024 từ thặng dư sang thâm hụt ngay sau quyết định của OPEC+. IEA cho rằng nhu cầu sẽ vượt quá nguồn cung khoảng 300.000 thùng/ngày trong quý II, và lên tới 700.000 thùng/ngày trong mùa tiêu thụ cao điểm vào quý III. Các nhà phân tích của Ngân hàng JP Morgan Chase thậm chí còn đưa ra một kịch bản cho rằng, giá dầu thô Brent có thể lên tới 3 chữ số vào tháng 9 nếu OPEC duy trì chính sách như hiện tại.

Dự báo cán cân cung cầu dầu thô thế giới - IEA

Đánh giá về chính sách sản lượng của OPEC+, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: “Việc thiếu cung đẩy giá dầu tăng cao cũng sẽ tạo động lực thúc đẩy các nước ngoài liên minh OPEC+ gia tăng sản lượng, trực tiếp cạnh tranh thị phần với chính nhóm nước này. Đây lại là một rủi ro mà không phải tất cả các thành viên đều muốn đánh đổi, thậm chí sẽ khiến các cuộc họp của nhóm trở nên phức tạp hơn trong năm nay”.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam

Rủi ro đánh mất thị phần

Cơ quan nghiên cứu năng lượng Rystad Energy dự báo các quyết định cắt giảm sản lượng mới nhất của OPEC+ có thể đưa thị phần sản xuất dầu của nhóm chỉ còn 33,9% trong tháng 6. Con số này giảm mạnh so với mức 41,4% vào tháng 4/2020.

Ngay cả giai đoạn nhu cầu thấp kỷ lục vào năm 2020 do dịch bệnh Covid-19, OPEC+ vẫn kiểm soát khoảng 35% thị phần sản xuất, do các quốc gia ngoài nhóm cũng tiến hành cắt giảm sản lượng. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, thị phần OPEC+ đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, một số đối thủ khác đang trở thành thị trường hấp dẫn, điển hình nhất là Mỹ. Đặc biệt, với rủi ro địa chính trị khó lường tại Trung Đông, hay xung đột kéo dài giữa Nga – Ukraine, dầu của Mỹ đang càng được ưa chuộng. Xuất khẩu dầu của quốc gia này đã lập kỷ lục hàng tháng kể từ khi nhóm quốc gia phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Xuất khẩu dầu Mỹ sang các thị trường thế giới

Theo Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tăng trưởng nguồn cung từ các nhà sản xuất ngoài OPEC+ như Mỹ, Canada, Brazil và Guyana có thể làm suy yếu nỗ lực của OPEC+ trong việc đẩy giá dầu. EIA dự báo sản lượng dầu của OPEC+ sẽ giảm 1 triệu thùng/ngày vào năm 2024, trong khi nguồn cung của các nước không phải thành viên sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày, dẫn đầu là Mỹ.

Về dài hạn, sự cạnh tranh làm thu hẹp thị phần của OPEC+ hoàn toàn có thể khiến liên minh xem xét lại về kế hoạch sản lượng. Nhóm nước này cũng đã không ít lần tạo ra những bất ngờ lớn.

Vào năm 2016, khi cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ thúc đẩy sản lượng tăng mạnh và kéo giá dầu gặp áp lực, đã có một cuộc chiến tranh giành thị phần khốc liệt. OPEC bất ngờ đưa dầu tràn ngập thị trường nhằm kéo giá giảm sâu hơn nữa, buộc các quốc gia khác phải hạn chế sản xuất nhằm bảo toàn biên lợi nhuận.

Trong khi đó, lợi thế về chi phí vốn thấp hơn đã khiến OPEC+ thành công bảo toàn một số thị phần. Tất nhiên đây cũng không phải là điều OPEC+ mong muốn, vì lợi nhuận của nhóm cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Chính vì vậy, với việc giá dầu lên cao như hiện nay, OPEC+ rất cần sớm xác định thời điểm để tiết chế chính sách siết van bơm dầu.

OPEC+ sẽ còn cắt giảm tới khi nào?

Hiện tại, Saudi Arabia, lãnh đạo của nhóm OPEC đang chi hàng tỷ USD để đa dạng hóa nền kinh tế. Quốc gia này sẽ cần nhiều tiền hơn nữa, và một trong số nguồn thu sẽ đến từ dầu mỏ.

“Một vài năm trước, giá dầu thô Brent ở mức 80 USD/thùng được đánh giá là đủ để Saudi Arabia cân bằng ngân sách, nhưng với xu hướng lạm phát trong vài năm qua, quốc gia này có thể cần giá dầu Brent cao hơn nữa. Đây chính là động lực để thủ lĩnh nhóm duy trì chính sách hạn ngạch thắt chặt”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh đánh giá.

Diễn biến giá dầu Brent và dầu WTI

Tuy nhiên, rủi ro về thị phần rất dễ dẫn tới các bất đồng trong nhóm OPEC+. Mặc dù ông lớn như Saudi Arabia có thể linh hoạt về công suất dự phòng, nhưng các thành viên còn lại với thị phần ít hơn rất nhiều, chắc chắn sẽ gặp khó khăn nếu chính sách cắt giảm sản lượng duy trì lâu dài. Trước đó, Angola cũng đã từng rời nhóm vì mâu thuẫn với kế hoạch siết chặt nguồn cung.

Cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng nhóm OPEC+ hôm nay (3/4) có thể không có thay đổi gì mới. Việc gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện của một số thành viên vẫn sẽ được duy trì trong quý II, nhưng cuộc họp tháng 6 sẽ đưa OPEC+ vào thế khó. Quyết định gia hạn chính sách sang quý III, quý tiêu thụ cao điểm nhất trong năm, liêu có được thực hiện hay không sẽ là một câu hỏi hóc búa.

Thực tế, các rủi ro gây áp lực cho giá dầu vẫn còn tồn tại, chủ yếu xoay quanh bài toán tăng trưởng kinh tế có thể kéo nhu cầu suy yếu. Một số tổ chức nghiên cứu dầu mỏ hiện cho rằng chính sách cắt giảm tự nguyện của nhóm OPEC+ sẽ còn được duy trì tới cuối năm 2024, trước khi nhu cầu tăng trở lại vào đầu năm sau. Tuy nhiên, MXV cho rằng việc OPEC+ cân nhắc về lợi ích tập thể, và cẩn trọng hơn trong việc giữ “miếng bánh thị phần”, có thể khiến quyết định tiết chế việc thắt chặt nguồn cung đến sớm hơn trong năm nay.

Hồng Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Giá dầu

Tin cùng chuyên mục

Đồ trang trí Giáng sinh 2024: Sản phẩm 'xanh' chiếm sóng thị trường

Thị trường hàng hóa hôm nay 17/12: Giá cà phê Arabica tăng 2,47%

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/12: Giá ca cao tăng vọt tuần thứ 5 liên tiếp

Ngành bán lẻ trước cột mốc 200 tỷ USD: Miếng bánh có dễ 'ăn'?

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thị trường hàng hoá duy trì bình ổn, không để thiếu hàng cho dịp Tết Ất Tỵ

Xu hướng lựa chọn giỏ quà Tết năm nay

Nguồn cung hàng hóa sẵn sàng, doanh nghiệp tăng 30% sản lượng hàng Tết so với năm 2024

Thị trường hàng hóa hôm nay 13/12: Giá ngô suy yếu, giá đậu tương đi ngang

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành 'tuyến phòng ngự' vững chắc

Thị trường hàng hóa hôm nay 12/12: Giá bạc neo tại vùng đỉnh một tháng

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép phân phối rượu của Công ty TNHH Nam Dương Invest

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường đồ trang trí ảm đạm trước thềm Giáng sinh

Thị trường hàng hóa hôm nay 11/12: Giá cà phê Arabica chạm mức cao nhất khi tiến sát mốc 7.400 USD/tấn

TP. Hồ Chí Minh: Bán hàng bình ổn thị trường Tết, nhiều hàng hóa giảm giá sâu

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/12: Trung Đông tiếp tục ‘nóng’, giá dầu thế giới quay đầu phục hồi

Thị trường hàng hóa hôm nay 9/12: Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều

Tìm giải pháp phát triển bền vững hệ thống phân phối bán lẻ

Giải ‘bài toán’ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp bán lẻ

Hợp tác chiến lược thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu phát triển bền vững