Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Anh Theresa May |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Financial Times tại Tokyo ngày 08/10, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định Anh sẽ mất vai trò là cửa ngõ vào châu Âu sau Brexit, nhưng vẫn có những điểm mạnh toàn cầu- những nhận xét được coi là tích cực về Brexit cho phép nước Anh tham gia các hiệp định thương mại tự do với các nước bên ngoài EU.
Thủ tướng Nhật Bản là một “kiến trúc sư” quan trọng của Hiệp định TPP (trước đây) và nay là hiệp định CPTPP, đang cố gắng tăng cường hiệp định giữa 11 quốc gia sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định. Nhưng vai trò thành viên của Anh trong CPTPP sẽ phụ thuộc vào việc rút khỏi liên minh hải quan EU, điều này sẽ cho phép họ thiết lập thuế quan riêng. Hiện nay, Nhật Bản, Singapore và Mexico đã phê chuẩn hiệp định này, trong khi Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru và Việt Nam đã ký hiệp định. Nước Anh sẽ là thành viên đầu tiên của hiệp định không có biên giới ở khu vực Thái Bình Dương hoặc Biển Đông, mặc dù hiệp định cũng không bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc.
Sự khuyến khích của Nhật Bản đối với London và Brussels là nhằm tránh một thỏa thuận “vô trật tự” có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Nhật Bản với các khoản đầu tư tại Anh. Doanh nghiệp Nhật Bản cần thời gian để điều chỉnh sau khi Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019. Anh sẽ bị tổn thất ngay cả khi các doanh nghiệp Nhật Bản rút dần từng phần hoạt động khi họ cảm thấy các điều khoản của thỏa thuận Brexit gây bất lợi cho lợi ích lâu dài của họ. Các công ty như Nissan và Hitachi đã đầu tư hơn 40 tỷ bảng Anh tại Anh kể từ những năm 1980. Hơn 1.000 công ty Nhật Bản đã cùng nhau tuyển dụng khoảng 140.000 người Anh làm việc trong các ngành sản xuất, dược phẩm và dịch vụ tài chính.
Trong những bình luận thẳng thắn nhất về Brexit cho đến nay, Nissan cho biết sẽ có “những tác động nghiêm trọng” đối với ngành công nghiệp sản xuất của Anh nếu rời khỏi EU mà không có thỏa thuận. Nissan là một trong những công ty có đầu tư lớn ở Anh, vẫn đang chờ đợi sự rõ ràng về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa Anh và EU sẽ như thế nào. Công ty Nissan sử dụng 7.000 người lao động tại nhà máy ở Sunderland, cho biết họ kêu gọi các nhà đàm phán của Anh và EU hợp tác để hướng tới một Brexit cân bằng nhằm tiếp tục khuyến khích thương mại cùng có lợi.
Trước đó, Toyota đã cảnh báo rằng một Brexit không thỏa thuận sẽ tạm dừng sản lượng tại nhà máy ở Burnaston, Derbyshire, nơi sử dụng 2.500 người lao động và sản xuất gần 150.000 xe trong năm 2017, 90% trong số đó xuất khẩu sang EU. Mặc dù công bố khoản đầu tư 240 triệu bảng tại Burnaston năm ngoái, nhưng Toyota cho biết một Brexit không thỏa thuận sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tương lai của nhà máy này. Bởi lẽ một thị trường Anh không đủ lớn để biện minh cho một nhà máy có quy mô lớn, do đó, nếu không xuất khẩu sang được thị trường châu Âu thì sẽ có tác động đến tương lai của nhà máy.
Các ngân hàng lớn của Nhật Bản đã công bố kế hoạch để giảm bớt sự hiện diện của họ ở Luân Đôn, với lo ngại về khả năng tổn thất của “tấm hộ chiếu EU” cho phép các ngân hàng có trụ sở tại Luân Đôn hoạt động tự do trên các thị trường tài chính của châu lục này. Phía Nhật Bản đã lên tiếng lo ngại về một Brexit cứng có thể là một tiêu cực lớn đối với các công ty Nhật Bản ở Anh. Trong một tuyên bố thẳng thắn đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2016 ở Bắc Kinh, Nhật Bản đã đưa ra danh sách các nhu cầu Brexit bao gồm cả việc Thủ tướng Anh Theresa May đàm phán một thỏa thuận giữ Anh trong liên minh hải quan và thị trường chung EU, bảo đảm sự lưu chuyển tự do giữa Anh và phần còn lại của châu lục./.