Nữ giới làm khoa học và lãnh đạo: Cần tiếp lửa để năng lực thăng hoa
Đã là phụ nữ thì cần được tôn trọng và sẻ chia, dù họ là ai nhưng với những nhà khoa học, nhà lãnh đạo nữ họ càng cần được tôn vinh. Năm nay dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng Giải thưởng L’Oreal - UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” vẫn công bố 5 nhà khoa học nữ xuất sắc từ 5 châu lục với các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý, toán học và khoa học máy tính.
Trong 23 năm ra đời, đã có 117 nhà khoa học nữ được trao tặng giải thưởng, trong đó 5 người đã đoạt giải Nobel và hỗ trợ hơn 3.500 nhà khoa học nữ trẻ tiềm năng. Tại Việt Nam, giải thưởng này triển khai năm 2009 và 32 nhà khoa học nữ có thành tích khoa học xuất sắc đã được vinh danh. Hai nhà khoa học nữ Việt Nam trong số này đã được ghi tên vào danh sách Nhà khoa học nữ trẻ thế giới trong các năm 2015 và 2017.
Các đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học nữ Việt Nam từ nghiên cứu sâu, khám phá mới trong hỗ trợ điều trị bệnh ung thư và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nghiên cứu tổng hợp vật liệu mới, thông minh và bảo vệ môi trường; ứng dụng trong đa ngành như y học, vận tải, năng lượng…“Bằng sự đam mê nghiên cứu khoa học, họ đã đẩy lùi biên giới của tri thức để góp phần giải quyết một số thách thức lớn nhất của thời đại, góp phần làm thay đổi cuộc sống, thay đổi cách nhìn nhận của thế giới về phụ nữ”, đại diện Ban tổ chức giải thưởng L’Oreal nhận xét.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (thứ hai từ trái qua) và Ban tổ chức trao giải cho 3 nhà khoa học nữ tại Lễ trao giải L’Oreal - UNESCO For Women in Science năm 2019 |
Các nhà khoa học nữ Việt Nam được thế giới vinh danh như tiến sĩ Trần Hà Liên Phương (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), bà là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được vinh danh nhà khoa học nữ tài năng thế giới L’Oreal - UNESCO năm 2015. Năm 2017, tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) một lần nữa ghi tên Việt Nam trong danh sách quốc gia có nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới của giải thưởng này.
Ở góc độ khu vực, sau khi được vinh danh Nhà khoa học xuất sắc Việt Nam năm 2019 từ giải thưởng L’Oreal - UNESCO, năm 2020 ba nhà khoa học nữ đã được vinh danh ở thứ hạng cao trong top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á (gồm cả nam giới), đó là Phó giáo sư - tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, TP. Hồ Chí Minh); tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh (Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh).
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân là nhà khoa học nữ nhận giải thưởng (năm 2019) với đề tài nghiên cứu pin nhiên liệu sử dụng năng lượng tái tạo và đã được Tạp chí Khoa học Singapore xếp hạng thứ 23/100 Nhà khoa học tiêu biểu châu Á." Đối với đội ngũ nhà khoa học nữ ở Việt Nam, ngoài vai trò của người phụ nữ trong gia đình thì ngọn lửa đam mê trong việc cống hiến cho khoa học và công nghệ ngày càng được thể hiện nhiều hơn. L’Oreal - UNESCO là giải thưởng hiếm hoi dành riêng cho nhà nghiên cứu nữ, nó như một cánh cửa mở ra cho tôi nhiều cơ hội phát triển trong sự nghiệp”, tiến sĩ Vân chia sẻ.
Chương trình giải thưởng khoa học L’Oreal - UNESCO chính thức nhận đơn học bổng nghiên cứu khoa học năm 2021. Đại diện L’Oreal cho biết, chương trình học bổng dành cho tất cả các tiến sĩ nữ không quá 50 tuổi đang làm việc và nghiên cứu tại Việt Nam trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu và Khoa học Đời sống.
Theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ nữ tham gia vào lực lượng lao động tại Việt Nam năm 2019 ở mức cao với 72,7% , song số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo vẫn còn thấp.
Giảng viên và nghiên cứu viên - khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT - tiến sĩ Greeni Maheshwari vừa thực hiện nghiên cứu xác định những rào cản và yếu tố thúc đẩy chính mà lãnh đạo nữ trong các cơ sở giáo dục bậc cao tại Việt Nam đã và đang trải qua.
Tiến sĩ Greeni Maheshwari - Giảng viên và nghiên cứu viên Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT |
Nghiên cứu của tiến sĩ Maheshwari chi ra rằng, các lãnh đạo nữ gặp phải các rào cản từ mặt chuyên môn đến đời sống cá nhân. Dù sống trong thời hiện đại, phụ nữ Việt Nam vẫn phải chu toàn trách nhiệm với gia đình do ảnh hưởng của Nho giáo. Chính vì vậy mà họ khó lòng giữ được cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Thách thức này còn hiển hiện rõ hơn trong giáo dục bậc cao so với các ngành khác vì lãnh đạo nữ phải hoàn tất khối lượng công việc thuộc bốn lĩnh vực khác nhau gồm giảng dạy, giám sát, quản lý và nghiên cứu, trong đó nghiên cứu nói riêng được coi là hướng quan trọng để thăng tiến trong sự nghiệp.
Tiến sĩ Maheshwari giải thích, ngoài trình độ và năng lực cá nhân, hỗ trợ mạnh mẽ từ phía gia đình hoặc người thân cũng sẽ giúp đỡ phụ nữ, và đây được coi là yếu tố mang tính quyết định để họ đảm đương vai trò lãnh đạo.
Là một học giả đã và đang nghiên cứu trong lĩnh vực lãnh đạo nữ, tiến sĩ Maheshwari tin rằng một số giải pháp hỗ trợ có thể đưa vào thực hiện để giúp lãnh đạo nữ trong các cơ sở giáo dục bậc cao.
Cụ thể, thiết lập các chính sách mới, trong đó có việc giảm khối lượng công việc ở một số lĩnh vực như nghiên cứu, giám sát, giảng dạy và quản lý để giúp lãnh đạo nữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Sắp xếp các sự kiện giao lưu kết nối trong giờ làm việc có thể có lợi cho phụ nữ vì họ không cảm thấy phải hy sinh thời gian dành cho gia đình sau giờ làm việc. Giới thiệu các cơ hội phát triển nghề nghiệp có thể hỗ trợ phụ nữ tìm thấy hoài bão công việc và cá nhân. Điều này có thể giúp họ nâng cao sự tự tin khi đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong tương lai.
Theo các chuyên gia nghiên cứu và những người trong cuộc, nữ giới tham gia nghiên cứu khoa học và làm lãnh đạo ở cấp cao tại các công sở hoặc doanh nghiệp đều phải hy sinh tuổi thanh xuân, trí lực, kể cả miền hạnh phúc của riêng mình cho sự nghiệp. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, ghi nhận và tôn vinh sự cống hiến của họ là cần thiết để cuộc sống ngày càng đẹp và lấp lánh hơn.