Thứ hai 28/04/2025 03:41

‘Nổi lửa lên em’ – ca khúc có đóng góp của phóng viên Báo Công Thương trên tuyến lửa

'Nổi lửa lên em' của nhạc sĩ Huy Du – nhạc sĩ của bản tình ca người lính được ví như là bản giao hưởng hậu phương, của tình thương thầm lặng, đi cùng năm tháng.

Ngọn lửa nhỏ kiên trung

Nhạc sĩ Huy Du là một trong những “cây đại thụ” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông để lại dấu ấn với hàng chục ca khúc viết về người lính, trong đó có thể kể đến: “Anh vẫn hành quân”, “Tình em”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Đường chúng ta đi”…

Nhưng nếu “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” là tiếng ca hùng tráng giữa bom đạn, thì “Nổi lửa lên em” lại là bản tình ca nhẹ nhàng như làn khói lam chiều, thấm vào tim mọi người một cách sâu lắng về hình ảnh người con gái Việt Nam trong chiến tranh với tình thương thầm lặng, lòng trung thành với kháng chiến.

Ảnh minh hoạ

Bài hát “Nổi lửa lên em” ra đời không phải từ một chiến công, mà từ một kỷ niệm nhỏ bé nhưng chan chứa tình người. Theo một số tư liệu, năm 1967, trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, nhạc sĩ Huy Du cùng một đoàn văn nghệ sĩ, trong đó có nhà thơ Xuân Sách, nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm đến với đơn vị chiến đấu tại rừng núi phía Tây tỉnh Quảng Trị. Ở đó, họ gặp một cô gái trẻ tên Sạn - người cấp dưỡng đảm đang, xung phong từ Hà Tĩnh ra mặt trận dù là con một trong gia đình.

Cô không chỉ lo cơm nước, mà còn ân cần chuẩn bị từng nắm gạo rang, từng bó rau rừng cho anh em đi thực tế, đi chiến dịch. Có lần trở về sau chuyến đi rừng, Huy Du và đồng đội bất ngờ được cô Sạn đãi một bữa rau tươi. Giữa nơi rừng sâu thiếu thốn, rau tươi là điều gần như không tưởng. Chỉ sau này, họ mới biết để có đĩa rau ấy, cô đã băng qua khu vực có bom nổ chậm để hái rau về. Chính tình cảm ấy, cùng với một bài thơ mang tên “Em cũng hành quân” được người bạn cũ - nhà thơ Giang Lam gửi tặng đã trở thành chất xúc tác để nhạc sỹ Huy Du sáng tác “Nổi lửa lên em”.

Năm 1971, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, nhạc sĩ Huy Du mang theo bản nhạc với hy vọng gặp lại cô gái nhỏ để tặng bài hát đã được viết bằng tất cả yêu thương và cảm phục. Nhưng khi đến nơi cũ, nhạc sĩ nghe tin cô đã hy sinh. Bản nhạc vì thế vẫn chưa thể trao đến tay cô gái trẻ. Câu chuyện ấy sau này được kể lại trong truyện ngắn của nhà văn Trương Nguyên Việt – con trai của cố ca sĩ Tân Nhân để lưu giữ mãi một mảnh ký ức đẹp trong hành trang người nhạc sĩ, người chiến sĩ.

Từ bài thơ chiến tuyến đến ca khúc bất hủ “Nổi lửa lên em”

Ý tưởng sáng tác ca khúc nổi tiếng "Nổi lửa lên em", cố nhạc sĩ Huy Du từng chia sẻ có chất xúc tác từ bài thơ "Em cũng hành quân" của nhà thơ Giang Lam – người con của miền Nam tập kết ra Bắc. Thời kỳ đó, nhà thơ Giang Lam là thiếu sinh quân mà thày dạy chính là nhạc sĩ Huy Du. Bài thơ này do Giang Lam sáng tác để tặng ông, nhằm ca ngợi hình ảnh những cô cấp dưỡng thuộc ngành Nội thương thời bấy giờ. Và sau đó, chính nhà thơ Giang Lam cũng đổi tên bài thơ gốc thành "Nổi lửa lên em", như một sự trân trọng mối giao cảm sáng tạo giữa thi ca và âm nhạc.

Nói về nhà thơ Giang Lam (tên thật là Nguyễn Khắc Hoàn), theo ông Bùi Đức Khiêm – nguyên Tổng Biên tập Báo Thương mại (nay là Báo Công Thương), thời kỳ đó Giang Lam là cán bộ, phóng viên của Báo Thương nghiệp (tiền thân của Báo Công Thương hiện nay).

Cuối những năm 1950 và suốt thập niên 1960, khi miền Bắc bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tạp san Công Thương phát triển thành Báo Thương nghiệp. Ban đầu, báo xuất bản mỗi tuần 2 kỳ, sau đó đến năm 1971, cùng với sự lớn mạnh của ngành thương nghiệp miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Báo Thương nghiệp trở thành tuần báo, phát hành đến tận xã, huyện thông qua hệ thống thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán.

Đội ngũ phóng viên Báo Thương nghiệp thời đó liên tục được tăng cường, toả đi khắp các địa phương, các tuyến lửa Quảng Bình – Vĩnh Linh (Quảng Trị) để viết bài phản ánh về các cửa hàng ăn uống phục vụ bộ đội, các đơn vị vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến, hay những cửa hàng nông sản tiếp tế thực phẩm cho chiến trường.

Trên hành trình vào tiền tuyến miền Trung, từ Hà Nội vào Vinh rồi đạp xe vào Hà Tĩnh, Vĩnh Linh, các phóng viên đều dừng chân tại cửa hàng ăn uống Bến Thủy (Vinh). Hình ảnh những cán bộ cửa hàng Bến Thuỷ chăm sóc, phục vụ tận tình các đoàn công tác, các đơn vị hành quân đã trở thành chất liệu để Giang Lam viết nên bài thơ "Em cũng hành quân" đầy cảm xúc, góp phần hình thành nên ca khúc nổi tiếng "Nổi lửa lên em" của nhạc sỹ Huy Du.

Còn theo một bài viết của tác giả Kiều Thành đăng trên Báo Thương mại, số 97 (ngày 6/12/2005), nhà thơ Giang Lam là một người đa tài và tận tâm. Suốt nhiều năm công tác tại Báo Thương nghiệp, ông viết các thể loại báo chí, đặc biệt là phóng sự, đồng thời còn kiêm luôn công việc hành chính trị sự, và dù ở vai trò nào, ông cũng làm hết mình, không ngại khó khăn, gian khổ.

Giai đoạn miền Bắc đang chịu đựng những trận đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, tác giả Kiều Thành kể lại, ông và Giang Lam được cử đi Quảng Trị để viết bài cho Đài Phát thanh Giải phóng. Khi đó, việc đi vào Quảng Trị vô cùng gian nan, nguy hiểm, thế nhưng dù gia đình còn nhỏ, con thơ dại, hoàn cảnh neo đơn, nhà thơ Giang Lam vẫn hăng hái lên đường.

Từ Hà Nội, họ đạp xe vào Nghệ An – nơi đang bị đánh phá dữ dội, nên phải tránh đường số 1, vòng lên ngõ Truông Băng, vượt núi, băng rừng gian khổ mới đến được Nghĩa Đàn trong đêm tối. Họ nằm co ro trong những căn hầm chữ A, cùng đoàn dân công ra hoả tuyến. Trời mưa phùn, cái lạnh buốt thấu xương, nỗi nhớ nhà dâng trào, nhưng trong lòng ai nấy vẫn hừng hực khí thế cùng đoàn quân ra trận. Chính trong hoàn cảnh đó, Giang Lam đã làm bài thơ "Em cũng hành quân".

Theo tác giả Kiều Thành, cả cuộc đời Giang Lam gắn liền với cách mạng. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 15 tuổi và cống hiến không ngừng cho đến khi nghỉ hưu. Là người luôn khiêm nhường, nhún nhường, ông để lại cho đời không chỉ hàng trăm bài báo, mà còn nhiều bài thơ đi cùng năm tháng, như: "Đường Lênin toả sáng", "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát", "Mùa xuân cuộc đời", và đặc biệt là "Nổi lửa lên em" – những tác phẩm đã được nhiều nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc thành công.

Hãy tiếp tục nhóm lên ngọn lửa của lòng yêu nước

Nếu âm nhạc là sự kết tinh giữa cảm xúc và chân lý, thì “Nổi lửa lên em” chính là một minh chứng sống động. Bài hát mở ra với hình ảnh bếp lửa hồng giữa rừng Trường Sơn, có ánh trăng, có lá nếp, có rau rừng, và cả những đôi tay nhỏ bé nhưng đầy nghĩa tình:

Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé,

Lá nếp, rau rừng thêm ấm tình anh nuôi…”.

Ngọn lửa trong bài hát không chỉ để nấu cơm mà còn là biểu tượng của lòng thủy chung, của tình hậu phương ấm áp giữa rừng sâu gió lạnh. Đó là, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, người phụ nữ Việt Nam dù không ra trận, vẫn góp lửa vào từng bước hành quân, từng bát canh nóng, chén chè xanh. Như một vũ khí mềm, họ tiếp sức cho mặt trận bằng chính tình yêu quê hương lặng thầm của mình.

Hơn thế, bài hát không chỉ có hậu phương mà còn vươn tới tiền tuyến. Lời ca nhắc đến miền Nam – vùng đất còn cháy đỏ lửa đạn:

“Ơi, miền Nam ơi có đêm nào ngủ được,

Lửa chiến tranh còn bỏng đất quê mình…

Nếu tính từ năm 1954 đến năm 1975, hai mươi mốt năm, nhân dân miền Nam phải sống trong cảnh đau thương chia cắt, miền Bắc là hậu phương vững chắc, nơi chi viện vật chất và tinh thần cho đồng bào miền Nam. Sức sống mãnh liệt trong trái tim của tuổi trẻ lúc bấy giờ là ngọn lửa hừng hực cháy, thắp sáng niềm tin cho đồng bào miền Nam trong những đêm dài gian khổ.

Và trong mạch cảm xúc đó, “Nổi lửa lên em” trở thành một bản giao hưởng hài hòa giữa yêu thương và trách nhiệm, giữa cái riêng và cái chung, giữa ánh sáng bếp lửa nhỏ và ánh sáng chiến thắng lớn.

Khi bài hát cất lên: “Lửa cháy lên rồi mang tình em rực sáng – sáng quê hương” ngọn lửa đã vượt ra khỏi chiếc bếp hậu cần, để trở thành ánh sáng soi đường, là ngọn đuốc tinh thần của cả dân tộc. Chính vì thế, “Nổi lửa lên em” không chỉ là một bài hát mà còn là một thông điệp nhân văn, là một khúc ca tôn vinh những điều nhỏ bé nhưng vĩ đại, là một biểu tượng âm nhạc của chủ nghĩa yêu nước.

Có lẽ vậy, nhạc sỹ Huy Du từng viết nhiều bài hát lớn. Nhưng chính bài hát “Nổi lửa lên em” được viết từ một câu chuyện rất nhỏ, lại là điều ông hay nhắc nhất mỗi khi nói về sự nghiệp của mình. Bởi ông biết, sức mạnh của âm nhạc cách mạng không chỉ đến từ hào khí, mà còn đến từ tình người, từ những rung cảm thật, như tình cảm của cô cấp dưỡng tên Sạn dành cho anh em văn nghệ sĩ ngày ấy.

Hôm nay, khi chúng ta lắng nghe lại “Nổi lửa lên em” trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), tác phẩm không chỉ là lời ca cũ vang vọng từ quá khứ, mà còn là ngọn lửa âm ỉ vẫn cháy trong lòng mỗi người dân Việt Nam. PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên chuyên trách Uỷ ban Văn hoá, Xã hội của Quốc hội chia sẻ, “Nổi lửa lên em” như ngọn lửa dẫn dắt chúng ta vượt qua những năm tháng chia cắt, chiến tranh, và hôm nay giữa hòa bình, tác phẩm tiếp tục thắp sáng niềm tin, lòng biết ơn, khát vọng đoàn kết dựng xây đất nước.

Đối với thế hệ trẻ hôm nay, bài hát như một lời nhắn nhủ thiêng liêng: Hãy tiếp tục nhóm lên ngọn lửa của lòng yêu nước, của tình người, của niềm tin vào tương lai Việt Nam tươi sáng, hùng cường và đầy nhân ái. Hãy giữ ngọn lửa yêu nước bằng chính những hành động nhỏ mỗi ngày – học tốt hơn, sống đẹp hơn, sống có trách nhiệm hơn. Bởi lịch sử không chỉ nằm trong sách vở, mà còn nằm trong từng ngọn lửa nhỏ của yêu thương, cống hiến và hy sinh.

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Ngày Giải Phóng Miền Nam