Nợ xấu tăng nhanh, thách thức lớn cho ngành ngân hàng và nền kinh tế
Chia sẻ tại Họp báo Kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước ngày 23/7, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý, mức độ tăng cũng khá cao. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC,... thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, nợ xấu đang có xu hướng tăng, trở thành thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của toàn nền kinh tế. “Chúng tôi muốn công khai, minh bạch con số nợ xấu để thấy được trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu; không chỉ ngân hàng mà cả khách hàng cũng phải tăng cường ý thức trả nợ vì tiền là tiền gửi của nhân dân” - ông Đào Minh Tú nói và cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp đảm bảo chất lượng tín dụng trong thời gian tới cũng như trích lập dự phòng nợ xấu để đảm bảo an toàn cho ngân hàng.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng. Đến nay, tất cả các ngân hàng thương mại, kể cả những ngân hàng hiện nay được cho là nhỏ, được giám sát tăng cường, ngân hàng đang kiểm soát đặc biệt cũng đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu. Ba ngân hàng “0 đồng” đã hoàn thành định giá và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt những khâu cuối cùng.
Nợ xấu đang có xu hướng tăng, trở thành thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của toàn nền kinh tế |
Liên quan đến kế hoạch xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Đức Long - Phó Chánh thanh tra cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 - 2026 có mục tiêu đảm bảo tỷ nợ xấu ở mức 3% đến cuối năm 2025. Tỷ lệ nợ xấu này không chỉ có nợ xấu nội bảng mà bao gồm cả nợ đã cơ cấu lại nợ, các nợ tiềm ẩn…
Để triển khai việc xử lý nợ xấu này, các tổ chức tín dụng đang triển khai Đề án cơ cấu lại đã được phê duyệt. Đồng thời, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng theo dõi, giám sát tiến trình triển khai Đề án này của các tổ chức tín dụng, trong đó có biện pháp xử lý nợ xấu để đảm bảo nợ xấu đến cuối năm 2025 ở mức dưới 3%.
Thời gian qua, trước tình hình nợ xấu gia tăng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã tham mưu cho lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản, trong đó chỉ đạo tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp, đặc biệt là các biện pháp liên quan đến việc tổ chức triển khai các gói tín dụng, thẩm định hồ sơ tín dụng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng; theo dõi việc sử dụng vốn vay theo cam kết; theo dõi và xử lý các khoản nợ xấu phát sinh và yêu cầu các Tổng giám đốc cũng như Chủ tịch Hội đồng quản trị của các tổ chức tín dụng thành lập Ban Chỉ đạo xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, trong Văn bản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị đầu mối có tỷ lệ nợ xấu cao duy trì các hoạt động xử lý nợ xấu, quy trách nhiệm cá nhân trong quá trình xử lý nợ xấu.
“Thời gian tới, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục theo dõi việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để có biện pháp tham mưu cho lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo việc kiểm soát nợ xấu theo mục tiêu đề ra” - ông Nguyễn Đức Long cho biết.
Liên quan đến vấn đề được thị trường quan tâm hiện nay là tỷ giá, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, đây là một vấn đề lớn, phức tạp trong quá trình điều hành thời gian qua. Tỷ giá có quan hệ tổng hoà với nhiều yếu tố vĩ mô về lãi suất, cung tiền, tác động từ các nền kinh tế lớn, tâm lý thị trường. Phó Thống đốc cho rằng, rất nhiều vấn đề lớn như vậy nhưng tỷ giá vẫn ổn đinh, mức mất giá khoảng 4,4%, thấp hơn so với nhiều nước, có nước mất tới 7%, 11%.
Phó Thống đốc nhận định, mức mất giá của VND như vậy là mức hợp lý. “Chúng ta không thể căng cứng, cố định tỷ giá trong bối cảnh như vậy. Chúng ta điều hành tỷ giá sao cho hài hoà, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.