Những lý do cần sửa đổi Luật điện lực - Kỳ 5: Nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực
Luật Điện lực đã quy định: Hoạt động điện lực là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan".
Đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, những tổ chức cá nhân muốn tham gia hoạt động điện lực cần được cơ quan chức năng cấp phép. Nếu vi phạm sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định.
20 năm qua, công tác cấp phép đã được thực hiện tốt, tuy nhiên có một số nội dung trong Luật Điện lực đã không còn phù hợp với thực tiễn của nền hành chính và thị trường điện cần phải sửa đổi để đáp ứng kịp thời với yêu cầu cải cách hành chính theo hướng giao cho Chính phủ quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực và quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực nhằm nâng cao việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị.
Cụ thể, về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực: Hoạt động điện lực là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Điện lực và Luật Đầu tư. Hiện nay, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động điện lực, các điều kiện cấp giấy phép thường xuyên phải được rà soát, đánh giá để thực hiện cắt giảm tối đa. Trong thực tế thi hành, Chính phủ đã bãi bỏ, cắt giảm 99/163 (khoảng 60%) điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực điện lực (tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP), bãi bỏ 8 điều kiện và đơn giản hóa 03 điều kiện đối với các lĩnh vực phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ và tư vấn chuyên ngành điện lực (tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP). Trong khi đó, một số nội dung về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực tại Điều 32 Luật Điện lực không còn phù hợp với thực tiễn và không đảm bảo sự linh hoạt trong việc đánh giá điều kiện hoạt động điện lực để kịp thời điều chỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Về hồ sơ cấp giấy phép hoạt động điện lực: Hiện tại, Luật Điện lực đang quy định bốn thành phần hồ sơ chung để cấp giấy phép hoạt động điện lực. Trong thực tế thi hành công tác cấp giấy phép hoạt động điện lực, mỗi hoạt động điện lực phải có các điều kiện kiện riêng, tương ứng với các thành phần hồ sơ thể hiện đáp ứng đủ điều kiện cấp giấy phép theo quy định. Vì vậy, để có thể xác định được đối tượng đề nghị cấp giấy phép có đáp ứng đủ điều kiện hoạt động điện lực hay không, Bộ Công Thương phải hướng dẫn chi tiết thành phần hồ sơ cho từng lĩnh vực hoạt động điện lực. Thành phần hồ sơ này cũng linh hoạt thay đổi đáp ứng với yêu cầu tinh giản điều kiện cấp phép và cải cách thủ tục hành chính của lĩnh vực điện lực. Vì vậy, việc quy định thành phần hồ sơ trong Luật Điện lực là không còn phù hợp với yêu cầu linh hoạt trong tinh giản điều kiện cấp giấy phép và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các đối tượng liên quan tham gia hoạt động điện lực.
Miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực: Do tính chất của một số hoạt động điện lực, để tạo điều kiện cho một số tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực mà không phải thực hiện thủ tục hành chính là xin giấy phép hoạt động điện lực, Luật Điện lực đã quy định một số trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, một số trường hợp được miễn trừ hiện nay đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển ngành điện hiện tại như quy mô kinh doanh điện tại nông thôn, miền núi, hải đảo; phát triển năng lượng tái tạo phục vụ phụ tải tại chỗ (điểm c khoản 1 Điều 34)... Do đó cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định về miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực một cách hợp lý nhằm thúc đẩy, khuyến khích phát triển điện lực trong tương lai.
Về thu hồi giấy phép hoạt động điện lực: Quy định tại Luật Điện lực hiện nay chỉ cho phép thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong 04 trường hợp. Trong thực tế thi hành còn phát sinh các trường hợp cần thiết phải thu hồi giấy phép khác như đối tượng đề nghị không trung thực trong quá trình gửi hồ sơ đề nghị để được cấp Giấy phép, sau đó bị phát hiện; đơn vị điện lực có nhu cầu ngừng hoạt động hoặc chuyển giao hoạt động được cấp phép cho đơn vị khác; khi có đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do đơn vị điện lực vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan; đơn vị điện lực không báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày thay đổi địa chỉ trụ sở trong giấy phép hoạt động điện lực...
Như vậy, có thể nhận thấy, theo sự thay đổi của thực tiễn thi hành, các trường hợp bị thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực sẽ phát sinh thay đổi tương ứng. Do đó, ngoài việc xác định các nguyên tắc về việc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực tại Luật Điện lực, cũng cần thiết phải giao cho Chính phủ quy định các trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động điện lực để đảm bảo tính linh hoạt, tạo điều kiện cho các đơn vị nhanh chóng tham gia hoạt động điện lực, vừa quản lý được việc đáp ứng đủ các điều kiện tham gia hoạt động điện lực, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong trong thực tế thi hành.
Còn nữa...