Thứ năm 05/12/2024 07:18

Những dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong 28 năm gia nhập ASEAN

Cách đây 28 năm, ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Việt Nam luôn tự hào là một thành viên trách nhiệm, tích cực với những đóng góp không nhỏ để có một ASEAN như ngày hôm nay.

Nghi thức thượng cờ ASEAN dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN ngày 8/8/2022. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập ngày 8/8/1967 với 5 thành viên ban đầu; phát triển dần thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ, bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á và chính thức trở thành Cộng đồng ASEANvào ngày 31/12/2015.

Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) ở Brunei. Tuy nhiên, quá trình Việt Nam tham gia ASEAN đã được khởi động từ trước đó.

Cụ thể, tháng 7/1992, Việt Nam đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN.

Từ năm 1993, Việt Nam họp tham vấn thường xuyên với ASEAN nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hằng năm, tham gia các chương trình và dự án hợp tác ASEAN trên 5 lĩnh vực: khoa học-công nghệ, môi trường, y tế, văn hoá-thông tin, phát triển xã hội.

Năm 1994, Việt Nam trở thành một trong những thành viên ban đầu của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), một diễn đàn khu vực đầu tiên bàn về các vấn đề chính trị-an ninh do ASEAN giữ vai trò chủ đạo.

Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ bảy của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei. (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)

Tham gia ASEAN là một quyết sách có tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tạo nên cục diện phát triển mới cho đất nước, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển và nâng cao vị thế đất nước.

Tham gia ASEAN với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm," trong suốt hành trình 28 năm qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho một ASEAN thống nhất, đoàn kết, hòa bình, ổn định và phát triển, có tiếng nói ở khu vực và được các nước lớn công nhận.

Ngay sau khi gia nhập tổ chức, Việt Nam đã giải quyết nhiều lực cản để tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Lào, Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm 1999). Điều này đã giúp Việt Nam trở thành cầu nối giữa khu vực Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo. Nhờ đó, đến năm 1999, toàn bộ 10 quốc gia Đông Nam Á đã hiện thực hóa giấc mơ về một đại gia đình, quy tụ sức mạnh tập thể của toàn khu vực, xóa bỏ nghi kỵ giữa các dân tộc, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao đáng kể tinh thần tự chủ của khu vực.

Cùng với đó, trong 28 năm qua, Việt Nam đã đóng vai trò nòng cốt trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn trong ASEAN. Song hành với đó, Việt Nam luôn tích cực và nghiêm túc cùng ASEAN đưa các quyết sách vào triển khai với tầm nhìn rộng lớn, nhiều sáng kiến đột phá trên mọi lĩnh vực với mức độ và phạm vi ngày càng sâu rộng.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của những biến động nhanh chóng và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, Việt Nam đã đóng góp vào quá trình xây dựng nguyên tắc, “luật chơi,” cùng ASEAN ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng trong mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.

Một trong những điểm nhấn quan trọng về đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN là việc đảm nhận, đăng cai thành công các hoạt động và hội nghị quan trọng của ASEAN, góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, nâng cao uy tín của hiệp hội và ghi dấu ấn nước Chủ tịch bằng nhiều sáng kiến.

Đặc biệt, năm 2020 đánh dấu 25 năm gia nhập ASEAN, cũng là lần thứ ba Việt Nam đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN. Khó khăn của giai đoạn này là phải đối mặt với những thách thức to lớn do đại dịch COVID-19, song Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, chủ động của nước Chủ tịch luân phiên.

Việt Nam đã chủ động, tích cực và có trách nhiệm và kiên trì các nguyên tắc của ASEAN, cùng các nước thành viên nỗ lực đưa con tàu ASEAN vượt qua sóng gió, chủ động ứng phó và thích ứng với bối cảnh mới, giữ vững đà hợp tác và liên kết khu vực, khẳng định được vai trò trung tâm và nâng cao vị thế của ASEAN. Nhiều sáng kiến quan trọng năm 2020 đã trở thành tài sản chung của ASEAN như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho Dự phòng Vật tư Y tế Khẩn cấp ASEAN, Khung Phục hồi Tổng thể ASEAN...

Khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN

Năm 2023, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và các hội nghị liên quan tại Labuan Bajo (Indonesia) từ ngày 9 đến 11/5, mang theo nhiều thông điệp quan trọng.

Đó chính là tinh thần đoàn kết ASEAN, quyết tâm đóng góp thực chất, hiệu quả cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN và cũng là khẳng định đường lối nhất quán, chủ trương thống nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, coi ASEAN là bộ phận quan trọng, không tách rời trong chính sách đối ngoại.

Trên tinh thần đó, những phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều hướng tới khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN. Thủ tướng nêu nhiều đề xuất tại các phiên họp.

Thứ nhất, đoàn kết, thống nhất, độc lập, tự lực, tự cường và phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm là những giá trị nền tảng làm nên thành công của ASEAN. Thủ tướng nêu rõ đoàn kết là sức mạnh vô địch, phải thể hiện qua ý chí và hành động cụ thể. Củng cố đoàn kết và thống nhất là nhiệm vụ căn cốt cho một ASEAN độc lập và tự cường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng cũng nhấn mạnh ASEAN cần phải giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ với các Đối tác, đặc biệt là các nước lớn. Giữ được cân bằng chiến lược sẽ giữ được vai trò trung tâm của ASEAN, hướng tới xây dựng “một ASEAN tầm vóc." ASEAN phải thực sự là một cầu nối tin cậy, có năng lực điều hòa các mối quan hệ với các nước lớn; tạo dựng và thúc đẩy văn hóa đối thoại, hợp tác tham vấn, xây dựng lòng tin; phối hợp ứng phó với các thách thức chung.

Thứ hai, thúc đẩy kết nối khu vực trên cả ba phương diện thể chế, hạ tầng và con người để khai thông các điểm nghẽn hợp tác và khơi dậy tiềm năng phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh đây là ba đột phá chiến lược để tạo xung lực phát triển mạnh mẽ hơn cho ASEAN trong những thập kỷ tới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, để thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh mở rộng thị trường nội khối, đề nghị nỗ lực đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, triển khai đồng bộ và quyết liệt các dự án kết nối khu vực, tạo bước chuyển về chất cho môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.

Thủ tướng đề nghị quan tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn, cùng với kết nối mạng lưới điện, phát triển năng lượng tái tạo, sớm xây dựng các chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động trong một số ngành nghề của ASEAN.

Thứ ba, bám sát tinh thần cốt lõi của ASEAN là lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực của xây dựng cộng đồng, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần quan tâm thúc đẩy nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và tiểu vùng.

Hợp tác tiểu vùng cần được gắn kết với các chương trình hợp tác chung của Cộng đồng ASEAN trên tất cả lĩnh vực, nhằm mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn và bảo đảm cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh chung. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại hội nghị, Thủ tướng đã cùng các lãnh đạo trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế, tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN.

Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của tất cả các nước, đề nghị thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Những đề xuất và đóng góp trên đây của Thủ tướng nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao của các đại biểu.

Với tư duy chủ động, tích cực, tin cậy và có trách nhiệm, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục cùng các nước thành viên nỗ lực triển khai hiệu quả các sáng kiến và thỏa thuận hợp tác, đóng góp thiết thực vào giải quyết các vấn đề chung của ASEAN và khu vực.

Hợp tác kinh tế-thương mại phát triển vượt bậc

Sau 28 năm gia nhập ASEAN, quan hệ kinh tế-thương mại của Việt Nam-ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc, cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia Khối Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối mới chỉ đạt khoảng gần 6 tỷ USD, nhưng đến nay, con số này đã tăng tới hơn 10 lần, trung bình khoảng 60 tỷ USD.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2010-2021, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã có sự tăng trưởng vượt bậc, trong đó xuất khẩu tăng từ 9,3 tỷ USD năm 2010 lên mức 29,1 tỷ USD vào năm 2021. Việt Nam cũng tăng nhập khẩu từ khối ASEAN, từ mức 14,5 tỷ USD năm 2010 lên 41,1 tỷ USD vào năm 2021, tăng 26,6 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 33,86 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2021 trong khi nhập khẩu đạt 47,28 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2021.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN đạt 4,96 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore bật tăng. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2023, tuy tổng kim ngạch thương mại song phương giảm nhẹ 6% (chủ yếu do giảm kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam), xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore cũng như kim ngạch từng chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 1,49 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 677,7 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng, chủ động và tích cực. Với khoảng 100 triệu người, đứng thứ ba trong các nước ASEAN về quy mô dân số, đất nước hình chữ S là một trong những nước ASEAN thu hút rất nhiều sự quan tâm trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch và trao đổi thương mại.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) kiêm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid đánh giá Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện các ưu tiên kinh tế của Chủ tịch ASEAN trong năm 2023.

Theo ông Arsjad Rasjid, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư trong và ngoài khu vực, cũng như tích cực tham gia các sáng kiến như Khu vực Thương mại Tự do ASEAN và mới đây đã bày tỏ mong muốn tham gia mạng lưới kết nối thanh toán xuyên biên giới vốn được cho là bước phát triển tích cực cho hội nhập kinh tế khu vực.

Ngoài ra, việc Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện Năng lượng Gió ASEAN 2023, dự kiến diễn ra vào tháng 10, là một đóng góp đáng kể cho các mục tiêu năng lượng tái tạo của khu vực.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng (nguyên Trưởng SOM ASEAN), định hướng phát triển của ASEAN trong thời gian tới rất phù hợp với chính sách của Việt Nam. ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Vừa tận hưởng những lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng cộng đồng. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường sẽ là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn, sóng gió ngày càng lớn trong thời gian tới.

Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả khối, từ đó nâng cao vị thế và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong tổ chức. Những đóng góp nổi bật của Việt Nam cùng với thành tựu của đất nước trong giai đoạn hiện nay là động lực giúp Việt Nam có thể tự tin triển khai chính sách đối ngoại hướng tới vai trò ngày càng quan trọng đối với ASEAN trong giai đoạn tới./.

www.vietnamplus.vn
Bài viết cùng chủ đề: Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Tin cùng chuyên mục

Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật sau 6h ban bố

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 4/12: Nga giành lại 40% lãnh thổ ở Kursk; Kiev nhận thêm gói viện trợ quân sự mới

Hàn Quốc ban bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp

Triển khai hiệu quả bộ chỉ số FTA Index: Đâu là 'điểm nghẽn'?

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay, ngày 3/12/2024: Đàm phán hòa bình Ukraine có thể diễn ra trong năm 2025

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 3/12: Lính tinh nhuệ Ukraine rút lui ồ ạt khỏi Kursk; Kiev phá hủy hàng loạt radar Nga

Hiệp định thương mại tự do (FTA): ‘Đòn bẩy' cho doanh nghiệp tài chính hội nhập

Cơ hội và thách thức trong bức tranh thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay, ngày 2/12/2024: Thông tin 'đổi đất lấy hòa bình' có chính xác?

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 2/12: Hơn 10.000 lính Ukraine chống lệnh, rút khỏi tử địa; Kiev than vãn về viện trợ

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 1/12/2024: Theo Financial Times, hơn 60.000 binh sĩ Ukraine đào ngũ từ đầu năm 2024

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 1/12: Nga dội hỏa lực, lính Ukraine thiệt mạng ở Kurk; Kiev phá hủy radar Nga

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay, ngày 30/11/2024: Nguồn viện trợ từ phương Tây chỉ đủ cho 2,5 lữ đoàn AFU

Cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính nhìn từ bài học của Canada

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 29/11/2024: Mỹ tiếp tục 'bơm dầu' vào xung đột Ukraine

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 29/11: Lính đánh thuê NATO bỏ mạng ở Kursk; Mỹ giục Ukraine hạ tuổi nhập ngũ

Cổng FTAP: Cung cấp thông tin FTA hữu ích tới cộng đồng doanh nghiệp

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 28/11/2024: Ukraine có thể hạ tuổi tổng động viên xuống 18?

'Xanh hóa' để làm chủ 'cuộc chơi' trong Hiệp định RCEP

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 28/11: Lính Ukraine đầu hàng ở Kursk; Kiev dội ATACMS vào sân bay Nga