Những con số “biết nói” về quan hệ thương mại Việt Nam - Italia
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14%
Cụ thể, xuất khẩu Việt Nam sang Italia 4 tháng đầu năm 2024 đạt 1,75 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu từ Italia 554 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Italia vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), sau Hà Lan, Đức và Pháp. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng qua các năm.
Italia là quốc gia xếp hạng thứ 20 trong số những quốc gia Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất. Trong khi đó, Việt Nam là một trong 20 quốc gia mà Chính phủ Italia ưu tiên hợp tác thúc đẩy thương mại đầu tư.
4 tháng đầu năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Italia đạt 2,3 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023 |
Về đầu tư trực tiếp của Italia vào Việt Nam, đến cuối tháng 4 năm 2024, Italia đứng thứ 33 trong tổng số 146 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 151 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 535,8 triệu USD. Một số thương hiệu nổi tiếng của Italia đầu tư thành công tại Việt Nam như: ENI, Fincantieri, Piaggio, Bonfiglioli, Datalogic, Ariston...
Về xuất khẩu nông sản mùa vụ của Việt Nam sang Italia, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam xuất khẩu sang Italia trái cây và quả hạnh năm 2023 trị giá 39,9 triệu USD, chỉ chiếm 1,2% thị phần nhập khẩu trái cây của Italia từ các nước trên thế giới. Trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Italia số lượng ít với một số sản phẩm như: Sầu riêng, dừa tươi, xoài, măng cụt, chanh dây và quả hạnh phổ biến nhất là hạt điều. 60% số lượng hạt điều tiêu thụ tại Italia có nguồn gốc từ Việt Nam.
Với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8/2020), có tới 84% các dòng thuế tại chương mặt hàng trái cây khi xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan 0% ngay từ 1/8/2020, so với mức thuế MFN trung bình 10% trước đây là một lợi thế lớn cho doanh nghiệp hai bên trong thương mại sản phẩm trái cây.
Những khuyến nghị với doanh nghiệp xuất khẩu
Theo Thương vụ Việt Nam tại Italia, tiềm năng thị trường Italia còn nhiều, tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam vẫn khó tiếp cận.
Trong bối cảnh nhiều cạnh tranh, hiểu được nhu cầu thị trường, Thương vụ Italia những năm qua vẫn tiếp tục cố gắng tổ chức nhiều hoạt động, tìm kiếm gặp trực tiếp các đối tác tại Italia để tìm hiểu nhu cầu của nước bạn, từng bước tạo niềm tin chỗ đứng về hình ảnh sản phẩm Việt Nam, nhằm kết nối doanh nghiệp hai bên.
Thương vụ Italia khuyến nghị, các doanh nghiệp nên đa dạng hóa sản phẩm, ngoài trái cây tươi, có thể đẩy mạnh sản xuất quảng bá trái cây sấy dẻo, sấy khô, nước quả chiết xuất hoặc bột quả.
Ngoài ra, sắp tới Thương vụ sẽ tổ chức tham gia một số hội chợ về nông sản khác như: Hội chợ ớt và gia vị tại thành phố Rieti (28/8-1/9): Thương vụ sẽ có gian hàng tại hội chợ, trưng bày cafe, hạt tiêu, các loại gia vị như quế, hồi và các sản phẩm nông sản nổi bật khác của Việt Nam; Sự kiện ngày cà phê Việt Nam tháng 10/2024, phối hợp với Lavazza và các đối tác mời các đại diện doanh nghiệp cafe tại Italia.
Nhiều tổ chức tín dụng và bảo lãnh tín dụng hàng đầu của Italia như CDP/Simest và Sace đang tăng cường hiện diện tại Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Nutrifood, PVgas đã được tiếp cận vốn với sự bảo lãnh của Sace. Simest đã thiết lập Platform để kết nối các doanh nghiệp Italia với đối tác tiềm năng của Việt Nam. Những động thái này đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp uy tín của Việt Nam tiếp cận công nghệ, máy móc thiết bị, hàng hóa phục vụ sản xuất của Italia.