Chủ nhật 24/11/2024 11:44

Nhức nhối lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi

Việc sử dụng các loại hóa chất cấm trong chăn nuôi để tạo nạc, kích thích tăng trưởng liên tục được phát giác thời gian qua đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Đây cũng là vấn đề nhức nhối đang làm đau đầu các nhà quản lý.

Xóa bỏ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là trách nhiệm của cả cộng đồng - Ảnh: Minh Phương

Loạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Vụ việc nhiều trang trại phía Nam bị phát hiện dùng chất tạo nạc (Salbutamol) để giúp heo tăng lượng nạc, giảm mỡ, hình thức đẹp còn chưa lắng xuống thì mới đây, thông tin nhiều cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi dùng loại hóa chất vốn chỉ được dùng trong ngành xây dựng và dệt nhuộm để tạo màu vàng cho sản phẩm cũng như tạo độ vàng, bóng cho da gà khiến nhiều người giật mình. Tiếp đến là việc pha thuốc kháng sinh vào thức ăn cho thủy sản nhằm mục đích ngừa bệnh, kích thích tăng trưởng… Một loạt các vấn đề liên quan đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản xảy ra trong thời gian vừa qua đã khiến cho người tiêu dùng hoang mang.

Ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, 9 tháng đầu năm 2015, Bộ NN&PTNT đã tổ chức 22 đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và 33 đoàn thanh tra đột xuất đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm. Trong đó, đáng chú ý là đợt thanh tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đã phát hiện và xử lý 5 công ty gồm: Công ty CP sản xuất và thương mại Đại An Tín, Công ty TNHH Vimark, Công ty sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên, Công ty TNHH thuốc thú y- thủy sản Cường Phát, Công ty TNHH CP thương mại và sản xuất Bắc Âu Mỹ sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y/thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tiêu hủy tại chỗ 13,3 kg hóa chất Vàng-O (VAT YELLOW), tịch thu 20kg chất bột màu trắng không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ...

Cũng theo ông Nguyễn Như Tiệp, số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP)nông thủy sản trên diện rộng 9 tháng đầu năm cho thấy tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, một số chỉ số ATTP chưa có cải thiện so với năm 2014 (1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng).

Bên cạnh đó, một số vấn đề tồn tại đã lâu, gây bức xúc trong dư luận chậm được giải quyết như: việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được ngăn chặn; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi còn ở mức cao gây bất an cho người tiêu dùng... Những điều này đã ảnh hưởng đến uy tín của hàng nông sản, thủy sản Việt Nam.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, chính tâm lý thích heo nạc hay tập quán thích ăn những loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt của người dân đã vô tình tiếp tay cho người chăn nuôi sử dụng các loại chất cấm hoặc không có trong danh mục cho phép. Vì vậy, việc giải quyết căn bản tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng nhằm giảm thiểu mức tồn dư thuốc kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Phải xử lý tận gốc

Thực tế cho thấy, người chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc salbutamol là do thương lái buôn bán heo đến tận trại giới thiệu, hướng dẫn sử dụng chất tạo nạc trộn vào thức ăn chăn nuôi cho heo. Thịt heo dùng chất tạo nạc đẹp hơn và có giá bán cao hơn là lý do để người chăn nuôi và thương lái chọn sử dụng chất cấm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, những hoạt chất được phát hiện trong thực phẩm thời gian qua có thể do người dân mua thuốc thành phẩm để sử dụng hoặc mua từ các nguồn nhập lậu… Bộ Y tế sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng thuốc kháng sinh để chấn chỉnh tình trạng này. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thì vấn đề thanh tra, xử lý vi phạm cần phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Bắt được người nuôi, xử phạt mấy triệu đồng chỉ là xử lý phần ngọn. Phải ngăn chặn tận gốc, tức là phát hiện và xử lý các đối tượng buôn bán chất cấm, tuồn chất cấm vào trong chăn nuôi, thu lợi nhuận trên sức khỏe của người dân”.

Phát biểu tai một hội nghị của ngành nông nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Công tác ATTP hiện nay khó giải quyết triệt để trong thời gian ngắn mà cần kiên trì, cố gắng lâu dài, tập trung vào việc sử dụng chất Vàng O, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, cần cảnh báo đến các hộ dân về những nguy cơ trong việc sử dụng các chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi. Mặt khác, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành và các lực lượng chức năng nhằm triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra để sớm phát hiện, xử lý những vi phạm trong vấn đề ATTP, hướng tới nông sản sạch phục vụ xuất khẩu và bảo đảm sức khỏe nhân dân.

Bộ NN&PTNT phát động đợt cao điểm hành động ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2016. Trong đó, tập trung giải quyết căn bản tình trạng sử dụng chất cấm gồm: Salbutamol và chất Vàng O trong chăn nuôi, chất kháng sinh trong thủy sản.
Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Xử phạt 22 vụ vi phạm an toàn thực phẩm trong tháng 10 năm 2024

Yên Bái: Gian nan xử lý vi phạm hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử

TP. Hồ Chí Minh: Thu giữ lô nước hoa trị giá gần 1,2 tỷ đồng nghi giả mạo tại Namperfume

Lai Châu: Tập trung kiểm tra, ổn định hàng hóa tiêu dùng dịp cuối năm

Bắc Giang: Xử phạt hộ kinh doanh bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tạm giữ 160 sản phẩm thuốc lá điện tử nhập lậu

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện hơn 2.100 vụ buôn lậu và gian lận thương mại

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều cửa hàng bất chấp kinh doanh thuốc lá điện tử trái phép

Nam Định: Tạm giữ 200 áo phao không rõ nguồn gốc bán trên TikTok Shop

Hà Giang: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Hà Nội: Xử lý 2.295 vụ việc gian lận thương mại trong tháng 10 năm 2024

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kiểm tra tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn

Cục Quản lý thị trường Bắc Giang công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ

Bắc Giang: Xử phạt hộ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Hà Nội: Quản lý thị trường thu giữ hàng trăm sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu

Tổng cục Quản lý thị trường tuyển dụng công chức năm 2024

Tập huấn, hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập tại Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh

Hà Nội: Xử lý cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử có dấu hiệu nhập lậu tại quận Hoàn Kiếm

Quản lý thị trường cả nước kiểm tra trên 61.000 vụ việc trong 10 tháng năm 2024

Tuyên Quang: Phát hiện và tạm giữ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu NIKE tại huyện Sơn Dương