Các rạp phim luôn quá tải mỗi khi công chiếu bộ phim bom tấn
CôngThương - Rạp chiếu phim khởi sắc
Sau nhiều biến động, đến nay thị trường điện ảnh tại TP.HCM đã có một bộ mặt khác hẳn, ngoài một số ít ỏi các rạp cũ còn lại hoạt động kém hiệu quả, đã xuất hiện loạt cụm rạp hiện đại được đặt riêng hoặc đặt trong các trung tâm thương mại lớn do các nhà đầu tư trong, ngoài nước dựng lên cùng những bộ phim mới nhất của các nền điện ảnh lớn cập nhật hàng tuần.
Gần đây, sau khi hệ thống rạp MegaStar bán lại toàn bộ cổ phần cho CJ- CGV (thuộc Tập đoàn CJ Group Hàn Quốc) có thế mạnh kinh doanh ngành giải trí. Kéo theo mục tiêu này, CGV mở rộng từ 20 cụm rạp trong năm 2014, tăng lên 30 cụm rạp vào năm 2017. Không chỉ phát triển nhanh các cụm rạp, CJ E&M (một nhánh khác của CJ Group) cũng tham gia đầu tư sản xuất phim cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình.
Phía Lotte Cinema sau gần 6 năm hoạt động cũng đang điều hành tổng cộng 12 cụm rạp ở các thành phố lớn trên cả nước. Vào cuối năm nay, Lotte Cinema sẽ cho ra mắt thêm 4 cụm rạp chiếu phim mới tại Huế, Hạ Long, Vũng Tàu và Cần Thơ.
Bên cạnh đó, để thu hút khán giả, các cụm rạp luôn trải thảm đỏ cho các bộ phim bom tấn, dạo qua hầu hết các cụm rạp danh sách phim ngoại luôn áp đảo trong lịch thông báo rạp chiếu phim ở các cụm rạp.
Tính từ dịp đầu năm 2014 đến nay trong danh sách bộ phim Việt trình chiếu dịp Tết chỉ ghi nhận sự thành công của “Quả tim máu” và “Cô dâu đại chiến 2” doanh thu từ khi ra rạp của 2 phim này với gần 30 tỷ đồng cho mỗi phim. Ngoài ra, hai phim Việt gây sự chú ý gần đây nhất là "Hương Ga" và phim "Lạc Giới".
Số lượng vé bán ra trong các đợt chiếu phim bom tấn của nước ngoài luôn quá tải, như “Transformers 4” của đạo diễn Michael Bay đã khuấy đảo phòng vé và lập nên một kỷ lục mới. Chỉ sau một tuần ra rạp vào đầu tháng 7/2014 đã thu về con số 2 triệu USD (khoảng 44 tỷ đồng) trong thời gian ngắn nhất ở thị trường Việt Nam. Đặc biệt trong tháng 10 này lần đầu tiên chứng kiến kỷ lục số lượng phim được công chiếu trong năm với 19 tác phẩm từ hành động đến kinh dị và tâm lý như The Equalizer - Thiện ác đối đầu, Outcast - Mối thù hoàng tộc, Holliday - Kỳ nghỉ phép…
Nỗi lo nhà hát kịch
Ngược lại với thị trường phim ảnh sôi động thì vẻ đìu hiu lại bao trùm các nhà hát kịch, có những vở kịch không bán được vé. Đây là thời kì khó khăn nhất của các nhà hát kịch của Nhà nước lẫn tư nhân. Lý giải cho điều này đó là trước đây người dân có rất ít sự lựa chọn, cùng với sự bùng nổ và cạnh tranh internet, rạp chiếu phim, truyền hình cáp… càng khiến cho các rạp kịch nói gặp vô vàn khó khăn
Cùng với đó là sự xuống cấp về các cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống âm thanh, ánh sáng không được đầu tư mới do doanh thu thấp. Các nhà hát kịch tư nhân thì không có mặt bằng, địa điểm cố định, phải đi thuê nên khá bấp bênh. Cùng với đó, các diễn viên nhà hát kịch không mặn mà, chuyển dần sang đóng phim. Nếu đóng kịch, diễn viên phải tập trong vòng 1 tháng cho một vở diễn nhưng lương lại quá thấp, phụ thuộc nhiều vào số lượng vé bán ra. Trong khi đó, nếu đóng phim, diễn viên sẽ có được mức thu nhập cao gấp 4- 5 lần và ổn định hơn rất nhiều.
Đạo diễn Hoàng Duẩn- cố vấn nhà hát kịch Tâm Ngọc- chia sẻ: “Hầu hết các vở kịch đều bỏ quên vai trò của giáo dục sân khấu kịch. Bởi thực trạng hiện nay, người đến xem kịch chủ yếu tới xem bởi sự hiếu kỳ, muốn thử cho biết mà không có sự đam mê. Trong số những người đến xem, ai biết và hiểu như thế nào là kịch, là văn hóa kịch… Do vậy, người đến xem và quay lại với sân khấu kịch là rất ít.”