Nhiều triển vọng thu hút FDI từ doanh nghiệp Hàn Quốc
Đánh giá cao nhà đầu tư Hàn Quốc
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng năm 2024, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 302 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký gần 1,5 tỷ USD; cùng với đó là 245 lượt dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD; 632 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 360 triệu USD.
Tính chung 9 tháng, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam 2,892 tỷ USD, bằng 87,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Với kết quả trên, Hàn Quốc xếp thứ 3 trong tổng số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng, sau quốc gia dẫn đầu là Singapore với 7,35 tỷ USD và Trung Quốc với 3,225 tỷ USD.
Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: KL |
Kết quả FDI Hàn Quốc vào Việt Nam trong 9 tháng có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, cũng theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tính luỹ kế đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc là đối tác đầu tư lớn nhất trong tổng số 148 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 10.054 dự án, với tổng vốn đầu tư 88,292 tỷ USD.
Phát biểu tại một sự kiện về quan hệ đối tác tăng cường Việt Nam - Hàn Quốc diễn mới đây, ông Đỗ Nhất Hoàng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng: Khoảng 10 năm gần đây nhà đầu tư Hàn Quốc luôn đóng một vai trò quan trọng, xếp vị trí cao trong thu hút đầu tư của Việt Nam.
Trong đó, riêng năm 2023 có khoảng 500 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc với trị giá hơn 5 tỷ USD. Hiện rất nhiều dự án lớn đang ấp ủ thực hiện và dự kiến sẽ có sự đột phá về dòng vốn Hàn vào Việt Nam trong hai năm tới, lên đến hàng chục tỷ USD.
Cũng theo đánh giá của nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư Hàn Quốc có tính tuân thủ cao, quan tâm đến các dự án chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao, các dự án triển khai nhanh, có trách nhiệm xã hội và quan tâm người lao động. Đây là những yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Vốn FDI giải ngân tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Ảnh: ST |
Cơ hội hút vốn FDI từ Hàn Quốc
Hàn Quốc và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1992, ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vào năm 2015 và nâng cấp quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022. Trước đây, các dự án đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, nhưng hiện nay đã có nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc với quy mô lớn.
Theo ông Kang Moon Kyung - Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset: Các ngành như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đến 60% tổng vốn lũy kế của các dự án đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam, tiếp theo là bất động sản chiếm 15%. Còn ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán buôn và bán lẻ và xây dựng chiếm từ 2% - 3% tùy từng ngành.
Các dự án đầu tư từ Hàn Quốc đã chuyển đổi mạnh mẽ từ lĩnh vực chế biến đơn giản sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm đến các mô hình kinh tế tuần hoàn, giao thông xanh và giảm phát thải carbon tại Việt Nam.
Cũng theo đánh giá của ông Kang Moon Kyung, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có vốn đầu tư từ Hàn Quốc nhờ khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động tương đối dồi dào và trẻ, môi trường chính trị ổn định và chính sách hỗ trợ của chính phủ. Việt Nam được kỳ vọng sẽ vẫn là điểm đến FDI ưa thích với việc tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, R&D (nghiên cứu và phát triển), công nghệ cao.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là ưu tiên các dự án công nghệ cao, có tính lan tỏa với đầu tư trong nước, tạo ra mối quan hệ win-win trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính…. Các lĩnh vực này đều là thế mạnh của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Đặc biệt, để thu hút đầu tư nước ngoài, thời gian tới Việt Nam kiên trì thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô. Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, Việt Nam đang hoàn thiện luật pháp, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, theo đó đây là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có FDI từ Hàn Quốc.